Nhiên Viết Tản Văn Viết cho người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời

Viết cho người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời

Hôm nay mẹ tôi 55 tuổi. Năm nay đặc biệt hơn mọi năm, vì còn 10 ngày nữa mẹ sẽ nghỉ hưu. Vậy là, người phụ nữ làm việc không biết mệt mỏi hơn ba mươi năm nay ấy, cũng tạm được nghỉ ngơi một công việc.

Bây giờ, mối quan tâm của mẹ chắc chỉ còn là những cái status sống ảo của đứa con gái thích đi xa, chuyện thằng cháu ngoại hay cãi bướng, hay đàn gà mới ấp, luống rau mới lên.

Sau khi nghỉ hưu, mẹ không còn đến trường hàng ngày, không còn hấp ta hấp tấp lục tìm điện thoại trong túi rồi chạy hồng hộc vào phòng, cầm điện thoại, xách túi, nghênh ngang bước lên xe rồi đi làm.

Mẹ tôi là người phụ nữ hạnh phúc dù tôi biết trong cuộc đời bà có những giai đoạn vô cùng vất vả và khó khăn.

Năm 17 tuổi, có một cô gái Thái, là chị lớn trong gia đình còn có 6 đứa em phía sau, đã đi cấy thuê để lấy tiền mua vé xe, để đi học. Thế là, cô gái ấy rời bỏ mảnh ruộng, rời bỏ quê nhà đến một nơi xa lạ khi tuổi đời còn trẻ. Hồn nhiên, vô tư, trong veo.

Không biết mẹ tôi là người may mắn hay thiếu may mắn khi chỉ có một tình yêu trọn vẹn duy nhất trong đời. Nhiều khi tôi tự hỏi, vì lý do gì mà mẹ có đủ dũng khí để yêu xa đằng đẵng 4 5 năm trời, tình yêu kéo dài 7 8 năm để rồi vì tình yêu mà ở một nơi vốn dĩ không thuộc về mình với người đàn ông mẹ yêu.

Tình yêu của cha và mẹ là một tòa thành đẹp đẽ và vững chãi trong tôi. Có người từng hỏi tôi rằng, vì sao tôi lại trở thành một người có cá tính như vậy. Tôi đã trả lời rằng, bởi tôi lớn lên trong tình yêu, sự chân thành và lương thiện.

Mẹ tôi là người phụ nữ vô tâm và đuểnh đoảng. Hồi tôi còn nhỏ, lúc mẹ còn trẻ, mỗi chiều mẹ sẽ đi đánh cầu lông, đánh bóng chuyền còn cha tôi ở nhà lo cơm nước. Sau này, khi cao tuổi hơn mẹ vẫn tuyệt nhiên không vào bếp, có khi mẹ đi quanh xóm nói chuyện, có khi đi đâu đó, cứ đến giờ cơm sẽ về.

Mẹ là một nàng dâu vô cùng nghịch ngợm của gia đình. Có lần bà nội nhìn mái tóc đỏ như đồng của mẹ tôi, hỏi “Con nhuộm tóc à?”. Mẹ tôi nói, “Con đi nắng nhiều nên tóc đỏ đấy.”

Mẹ không biết chăm lo cho mình nhiều, quần áo thì có gì mặc đấy, son phấn thì cũng có gì dùng đấy. Vậy mà, mẹ mặc nhiên vẫn đẹp lạ thường. Nhờ vậy, mà tôi có một sở thích là mua quần áo, váy vóc và mỹ phẩm cho mẹ. Từ lúc đấy, mẹ ỷ lại, tôi mua gì mẹ dùng đấy. Mấy hôm nữa, mẹ nghỉ hưu. Ừ thì thôi không còn quần áo là lượt đến công sở, mỹ phẩm tôi mua mẹ vẫn còn chưa dùng hết. Hôm bữa về nhà, tôi không còn mua những thứ ấy, mà chỉ mua mấy lọ dầu cao xoa bóp khi mỏi khớp, nhức người.

Nhiều lúc, tôi nghĩ sự chưa kịp lớn đã già của tôi cũng nhờ mẹ mà có.

Rất nhiều người, thấy mẹ tôi cười to nói lớn, vô tâm vô tư mà người ta đố kỵ. Người ta nhìn mẹ tôi ngày ngày váy đẹp, giày cao gót bước lên bước xuống ô tô, từ nhà ra chợ cũng có cha tôi đưa đón, người ta chép miệng nói mẹ số sướng. Thực ra, chỉ là họ chưa từng thấy mẹ tôi vất vả mà thôi.

Mẹ là người 2 lần từ bỏ sự nghiệp vì gia đình.

Mẹ là người tất tả chạy ngược chạy xuôi lo bữa cơm khi chị tôi mới ra đời, năm ấy đổi tiền, đồng tiền mất giá. Cha tôi có kể lại, lúc đó, nhà chẳng có bất cứ thứ gì, cha mẹ đun nồi nước cạn đến vài lần để chờ hàng xóm đi làm về vay gạo.

Mẹ là người mà mỗi khi nhà tôi có khách, mẹ sẽ lại đi thật nhanh, vừa đi vừa chạy ra chợ để mua nợ đồ về nấu cơm. Từ nhà tôi ra chợ là 4 con dốc, khi đi là xuống dốc, lúc trở ngược lại là lên dốc.

Mẹ là người không chỉ chăm lo cho gia đình mình mà họ hàng bên nội, bên ngoại đều cố chu toàn, nếu có thiệt là chỉ thiệt về mình.

Những năm tôi 5 6 tuổi, cha đi học cao học, mẹ ở nhà nuôi hai đứa con, chăm một đàn lợn, đi dạy và làm thêm để kiếm tiền. Hồi tôi học lớp một, mỗi lần tan học tôi lại đến hàng may, lấy cúc về để mẹ đơm. Mẹ tôi nhát gan, sợ mưa gió và sấm chớp, vậy mà suốt thời gian cha đi học như vậy mẹ vẫn là trụ cột trong gia đình. Đến giờ, có lúc chị gái tôi vẫn nhắc lại, mỗi lần mưa to, mẹ sẽ cầm đèn pin đi soi chuồng lợn, kiểm tra quanh nhà, rồi “lùa” chúng tôi vô gầm giường cho đỡ sợ.

Đến mãi sau này, khi cha cũng quyết định dừng lại sự nghiệp thì mẹ mới đỡ vất vả. Nhiều khi tôi nghĩ, như mẹ, có phải là tần tảo hay không? Thực ra, tần tảo cũng không thể kể đủ những gì mẹ đã làm cho chúng tôi và cả gia đình.

Người ta, thường thắc mắc rằng vì sao cha lại yêu mẹ tôi như vậy. Chỉ là người ta không hiểu, không có người đàn ông chân chính nào lại không yêu, thương và trân trọng người phụ nữ đã dành quá nhiều sự hi sinh như vậy.

Với tôi, nhiều lúc tôi vẫn kêu ca rằng mẹ vô tâm, nhưng mẹ làm được nhiều điều hơn những người phụ nữ học vị cao – và cho rằng họ tân tiến. Với tôi, mẹ như một người bạn.

Khi học cấp 3, tôi bướng bỉnh bỏ đi, mẹ bướng bỉnh đón về.

Khi học cấp 3, tôi bướng bỉnh không học hành, mẹ bướng bỉnh chờ đến khi tôi muốn học.

Khi tôi thi đại học, là mẹ tìm nhầm trường rồi bảo tôi, con trượt rồi, trong khi tôi biết mình đã đỗ.

Khi tôi vào đại học, mẹ đưa tôi đi nhập trường, nhận phòng ký túc rồi cùng tôi vật tấm phản của giường trên để dán ảnh Jay Chou cho tôi ngắm hàng ngày.

Cũng là mẹ hỏi tôi, “Có muốn đi du học không?”, “Có”, “Thế thì thử đi”.

Khi tôi nói rằng tôi thích viết, mẹ bảo tôi cứ viết đi, rồi chẳng bỏ qua một bài viết nào của tôi, có lúc còn hỏi, tôi có giống nhân vật trong truyện của mình không vậy.

Khi tôi cảm thấy mệt mỏi với công việc, rời thủ đô náo nhiệt về với gia đình, rồi mẹ vẫn đón nhận, cưng nuôi tôi, cho tôi những chuyến du lịch.

Khi tôi muốn tiếp tục đi du học, cũng vẫn là mẹ lắng nghe và rồi chấp nhận con gái lại rời xa mình thêm lần nữa.

Lần trở về gần đây nhất, tôi có nói rằng con muốn học tiếp nữa, mẹ nói rằng, “Cứ bước trên đôi chân của mình.”

Không một đứa trẻ nào sinh ra được chọn lựa gia đình của chính mình, tôi là một đứa trẻ may mắn vì luôn được gia đình thấu hiểu.

Mẹ vẫn nói rằng, “Đời còn dài, tương lai còn khốn nạn…” tôi vẫn tin vào điều đó, để rồi chẳng gục ngã được dưới một khó khăn nào.

Mẹ vẫn nói rằng, “Cố gắng lên con, chiến đấu và chiến thắng”, nhưng tôi vẫn biết rằng, dẫu tôi có chiến bại thì cha mẹ vẫn luôn thương yêu tôi.

Và, mẹ tôi là như vậy.

Tôi chưa từng nói yêu mẹ, không phải bởi không yêu.

Nhưng nếu là yêu, quả thật tôi vô cùng có lỗi với tình yêu của mình.

Tôi vẫn là đứa trẻ hay cãi bướng, khó tính, khó chiều và gây lo lắng cho gia đình. Có lẽ, chưa lúc nào cha mẹ ngừng lo lắng về tôi.

Cũng có thể, khi mẹ tôi đọc được những dòng này, mẹ lại khóc, rồi nói rằng nó ở đó một mình, sợ ốm đau không ai chăm, khó khăn không ai giúp, đi làm đi học vất vả.

Rồi cũng có thể nói rằng, nó lớn tuổi mà như con nít, mãi không chịu lớn.

Còn tôi,

Tôi không muốn nói sinh nhật vui vẻ. Chỉ là, thôi thì cũng đến tuổi bớt phải lo nghĩ. Nếu có lo, thì lo đàn gà hôm nay ăn ngô hay ăn thóc. Chăm cho đàn cún của tôi lớn mập đáng yêu. Buồn buồn thì ra ao ngắm đàn cá của cha. Rảnh thì đi thăm hàng xóm, mệt thì nghỉ ngơi, ốm thì uống thuốc, nếu có thèm cồn thì uống, nhưng vừa phải thôi. Nợ nhau 2 chén rượu sinh nhật, mẹ của tôi nhé. Vậy thôi, đời có bao nhiêu mà hững hờ.

Nhiên.

 

 

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...