Tôi là một nàng dâu.
Tôi sinh ra là để phục vụ các nàng dâu.
Tôi còn phục vụ những người đã là nàng dâu, đang là nàng dâu, và cả những người có những điều muốn tâm sự về nàng dâu.
***
Tôi tự hào mình là người thành đạt vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Khi nhiều người còn chấp chới, chênh vênh giữa bờ vực phá sản thì công ty của tôi lại lên như diều gặp gió. Tôi, ba mươi tuổi, hiện là Chủ tịch tập đoàn Nàng Dâu. Công ty của tôi là một công ty truyền thông mới nổi, trước đây, nếu như Việt Nam có ba mạng điện thoại lớn, vững như kiềng ba chân là Vinaphone – được các công nhân viên chức dùng điện thoại từ lâu quen dùng, hay những doanh nhân, giáo viên, bác sỹ… thì Viettel – lại được sự tin dùng của học sinh, sinh viên, công nhân, bộ đội… trong khi đó khách hàng của Mobiphone khá đa dạng, nhưng không như công ty của tôi, công ty chuyên cung cấp dịch vụ mạng cho những người đang làm dâu, đã làm dâu, thậm chí cả những người sắp làm dâu. Sự có mặt, phát triển, vững mạnh của công ty tôi khiến những đối thủ cạnh tranh phải giật mình nể phục, thay vì kiềng ba chân ngày trước, mạng điện thoại Việt Nam xuất hiện thêm một chiếc chân thứ tư, vững vàng như bàn thạch với cái chân thứ tư là Tập đoàn Nàng Dâu.
Công ty của tôi, bắt đầu với một nhóm thành viên – tôi và hai người bạn. Công việc hàng ngày của tôi là nghe điện thoại.
Cuộc gọi lúc năm giờ sáng:
“Alo, tổng đài Nàng Dâu xin nghe.”
“Alo, chị ơi. Em mới về nhà chồng, nhưng cả tuần nay rồi mẹ chồng không hài lòng với em. Em nấu gì bà cũng chê. Thịt bò bà bảo dai, thịt lợn bà bảo mỡ, thịt gà vịt bà bảo nuôi công nghiệp ăn lại thêm bệnh, ăn cá bà lại bảo xương, ăn trứng thì bảo ăn trứng giả, nấu gì bà cũng không ăn. Chồng em thì bảo dạo trước bà không như vậy. Em chẳng biết phải làm sao nữa.”
Nghe cuộc điện thoại ấy, tôi biết ngay đó là Ngân, nàng dâu mới của cái ngõ nhỏ này. Chẳng là dạo trước ngồi trà đá vỉa hè, tôi cũng có nghe lỏm được cuộc nói chuyện rôm rả của mấy bà cụ trong ngõ. Chuyện của các cụ hay lắm, toàn những chuyện làm thế nào để con dâu ngoan hiền, rồi cả cách làm khó con dâu.
“Ừ, vấn đề của em có vẻ nan giải nhỉ. Thế chồng em còn phản ứng gì khác không? Có bênh vực em không?”
“Cũng có chị ạ, anh ấy cũng nói với mẹ để dần dần rồi em quen việc bếp núc, nhưng cụ cứ gạt đây đẩy.”
“Ừ, thế em thử thế này. ….”
“Vâng, để em thử.”
Ngân cúp máy, có lẽ là đi chợ. Còn tôi vùi đầu vào chăn ngủ tiếp.
Cuộc gọi lúc bảy giờ tối.
“Alo, tổng đài Nàng Dâu xin nghe.”
“Alo, chị ạ, em là người gọi điện lúc sáng này. Chị tài thật đấy, mẹ chồng em hôm nay không còn khắt khe với em như mấy hôm vừa rồi nữa. Em cảm ơn chị nhé.”
Ngân cúp máy còn tôi thì thở phào. Không ngờ chiêu tôi giúp Ngân lại có hữu ích. Tôi chỉ bảo Ngân và chồng nói khéo để chồng Ngân nấu cơm, còn Ngân thì rủ mẹ chồng đi bách bộ vài vòng ở công viên gần nhà, rồi tâm sự, nói chuyện. Chỉ là, mẹ chồng và nàng dâu không chịu bình tĩnh nói chuyện với nhau mà thôi. Mà, nếu con trai nấu cơm, thì có mẹ nào chê không ngon bao giờ.
Khi mới mở công ty, cả tuần tôi chỉ nhận dăm bảy cuộc điện thoại. Tôi làm việc khá nhàn nhã và thoải mái vì tôi và nhóm thành lập công ty đã xác định lỗ trong thời gian đầu. Chúng tôi không có nhiều vốn nên ban đầu chỉ thuê được một căn nhà vừa làm chỗ ở, vừa là công ty, trên tầng cao nhất đặt một cột sóng nhỏ bé, thấp lè tè để phát sóng cho mạng di động Nàng Dâu. Trong một tháng đầu, chúng tôi phát miễn phí mỗi ngày một chiếc điện thoại cục gạch 110i của Nokia, nhập từ Tàu, vừa rẻ, vừa dễ dùng. Mỗi lần phát điện thoại, thằng Long cố nặn ra nụ cười tươi nhất, mặc dù nó đang xót tiền ghê gớm. Mỗi lần thấy gương mặt ấy, tôi lại bị ám ảnh bởi sự thua lỗ, nhưng tôi nhanh chóng vùi lấp sự tự ti bằng nụ cười tự tin chiến thắng, tôi tin mình sẽ thành công.
Tôi là một người không có những thành công ban đầu trong sự nghiệp. Tôi mất hai năm để thi vào đại học, thời gian ôn thi, tôi vừa làm thêm vừa học hành. Có công mài sắt có ngày nên kim. Sau hai năm ròng ở Hà Nội, tôi đỗ đại học. Nhưng đỗ vào đại học mới chỉ là bước đầu của khó khăn, bốn năm miệt mài mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường, tôi có được tấm bằng cử nhân khá cứng ngành tâm lý học. Tôi đã thử làm nhiều việc, từ phục vụ bàn, đến trực điện thoại tổng đài, cuối cùng tôi tạm yên vị với công việc tư vấn viên tại một trung tâm tư vấn tâm lý tư nhân. Lương tháng năm triệu, nhưng lượng công việc thì đồ sộ, áp lực công việc lại quá lớn.
Xã hội càng phát triển thì con người càng bận rộn, họ sống nhanh hơn và cũng nhanh chóng mệt mỏi hơn. Họ thay vì đến Spa chăm sóc sắc đẹp, có nhiều người đã tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý để giải toả những căng thẳng trong cuộc sống và công việc, những người ấy đa phần là những nàng dâu. Chuyện nàng dâu thì nhiều lắm, nàng dâu mẹ chồng, nàng dâu bố chồng, nàng dâu em chồng, nàng dâu với họ hàng nhà chồng, đôi khi, là cả nàng dâu và chồng. Ngày xưa, làm dâu vất vả một thì ngày nay làm dâu vất vả mười. Vậy mà, chẳng mấy ai chịu lắng nghe những nàng dâu.
Làm dâu trăm họ nên tôi thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn của những nàng dâu. Tôi nói ý tưởng của mình với hai cậu bạn thân – Long và Tuấn, một người học viễn thông, một người học kinh tế. Sau nhiều ngày bàn bạc và tìm hiểu, chúng tôi xoay tứ tung, xoay nam xoay bắc, được một số vốn không nhỏ, nếu như vụ kinh doanh này đổ bể, chắc cả ba chúng tôi chỉ còn đường nhảy lầu tự tử. Và mọi việc bắt đầu được thực hiện. Long và Tuấn nghiên cứu về mảng kinh doanh, điện thoai còn tôi thì tìm địa bàn hoạt động và điều tra tình hình mẹ chồng nàng dâu ở khu vực đó qua việc hóng hớt ở các quán trà đá góc phố.
Ban đầu, chúng tôi tặng miễn phí điện thoại và sim điện thoại đã có sẵn tiền trong tài khoản, mỗi ngày một cặp, đương nhiên là chỉ tặng cho những nàng dâu, những người mang chứng minh thư, giấy đăng ký kết hôn bản photo có công chứng thì mới được nhận quà khuyến mãi. Mà, dường như, phàm là phụ nữ thì thích những thứ khuyến mãi, dù không biết mình có cần thứ đó hay không. Sau ba ngày đầu, chúng tôi cho không ba chiếc điện thoại mà không nhận được một cuộc gọi nào cả. Mãi đến ngày thứ tư, tôi nhận được cuộc điện thoại của Ngân vào sáng sớm. Tiếng lành đồn gần, tôi bắt đầu nhận được hai rồi ba rồi nhiều hơn những cuộc gọi. Còn giờ đây, chín mươi triệu người Việt Nam thì có hơn ba mươi triệu người sử dụng mạng Nàng Dâu, họ gọi cho nhau nói chuyện, họ nhắn tin buôn dưa lê, và họ gọi điện cho tổng đài để nẩu cháo điện thoại, dù cước phí gọi cho tổng đài của mạng Nàng Dâu đắt gấp ba lần so với các mạng điện thoại khác.
Cuối giờ chiều
“Alo. Tổng đài Nàng Dâu xin nghe.”
“Chị ơi! Em xin lỗi, nhưng em không chịu được nữa rồi. Mẹ chồng em ý, cả ngày từ sáng tới tối làm đỏm, chiều chiều đi khiêu vũ ngoài công viên, thế mà hôm nay em đi ăn cưới đứa em, mặc đẹp một chút thôi, thì bà gằn lên nói bóng nói gió em lẳng lơ này nọ.” – Cô gái trẻ nói một thôi một hồi, rồi nói tiếp – Mà em có làm gì sai đâu, ngày nấu cơm ba bữa, quần áo giặt là, ốm đau thì em lo thuốc thang, bà con lên chơi thì em lo quà cáp. Thế mà bà chẳng những không ưng, còn tỏ vẻ ghét em ra mặt.
“Trước khi lấy chồng, em đã tìm hiểu gia đình nhà chồng chưa?”
“Trước khi cưới em cũng đến nhà chơi vài lần, gia đình em điều kiện không bằng gia đình anh ấy, rồi bọn em có em bé mới cưới nên sau đấy, thái độ của mẹ chồng khác hẳn.”
“Bố chồng em thì sao?”
“Dạ, bố chồng em mất lâu rồi, mẹ chồng em ở vậy nuôi lớn anh nhà em, em cũng biết điều ấy nên luôn cố để làm hài lòng bà, nhưng càng cố thì bà càng ghét em. Em chẳng biết làm sao nữa.”
“Hay em thử ra nơi bà khiêu vũ, tìm cho bà một cụ ông bầu bạn đi.”
“Mẹ chồng em về rồi.” – Cô gái nói, rồi cúp vội máy.
Là phận gái, tôi không mong câu chuyện khác máu tanh lòng, mẹ chồng nàng dâu. Nhưng nếu không có những câu chuyện ấy, công ty của chúng tôi sẽ lụi bại rồi phá sản. Cái tầm không cho cái tâm của tôi đứng vững, còn muốn phát triển công ty, thì chúng tôi còn cần mâu thuẫn giữa những người đàn bà. Người ta, sẽ chẳng mấy ai bỏ ra vài giây để khen mẹ chồng tốt, khen nàng dâu ngoan hiền, nhưng người ta có thể bỏ ra nửa tiếng, cả tiếng, thậm chí vài ba tiếng đồng hồ để nói xấu nàng dâu hay mẹ chồng của mình. Công ty của tôi, chỉ đơn giản lắng nghe, chỉ cần biết lắng nghe, chúng tôi sẽ lớn mạnh. Có lẽ không có tổng đài điện thoại di động nào nhận được nhiều cuộc gọi như tổng đài Nàng Dâu, các máy trực điện thoại luôn hoạt động không nghỉ, nhân viên của chúng tôi thay vì làm cả ngày mà làm theo ca, vừa lắng nghe vừa giải đáp. Tôi ngồi trên chiếc ghế xoay, nhìn màn hình vi tính và mỉm cười mãn nguyện.
2012: Công ty ba thành viên.
2013: Công ty có ba mươi nhân viên, trả hết nợ.
2014: Công ty có ba trăm nhân viên, mở rộng các cột sóng khắp Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và hơn hai mươi tỉnh thành lân cận.
2015: Công ty có ba ngàn nhân viên, mở rộng trên khắp các tỉnh thành Việt Nam, mức doanh thu lớn nhất trong các Tổng đài tư vấn, số người theo dõi fanpage đông đảo nhất, chất lượng phục vụ tốt nhất.
Bốn năm sau ngày thành lập công ty, cuộc sống của tôi ngày càng tốt lên, hàng tháng tôi gửi tiền về cho mẹ, mua vườn, mua đất, mua nhà. Mẹ cần thứ gì, tôi cho thứ ấy. Tôi cũng đi từ Bắc vào Nam, mở các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trực điện thoại, đôi khi, trả lời phỏng vẫn trước báo chí. Nhiều người biết ơn tôi bởi lập ra công ty ấy, giải toả nỗi căng thẳng trong lòng họ. Cũng có người cảm ơn tôi, bởi tạo công ăn việc làm cho họ. Lượng sinh viên đăng ký học khối C, đặc biệt ngành Tâm lý học càng ngày càng tăng, bởi cơ hội công việc lớn. Họ khen tôi, nhiều người khen tôi lắm. Vợ của hai cậu bạn tìm đến tôi khi gia đình khúc mắc, họ vui, tôi cũng vui.
Cuộc gọi lúc cuối cuối giờ chiều.
“Chị có bận gì không ạ?”
“Có việc gì thế em?” – Tôi hỏi cô thư ký.
“Có một cuộc gọi đến tổng đài từ một chàng trai, và anh ấy nói muốn được sự giúp đỡ từ chị.”
“Chị cũng đang rảnh, em nối máy đi.” – Tôi trả lời gọn nhe, lâu rồi tôi cũng không nghe một cuộc điện thoại, để lắng nghe những tâm sự.
“Alo. Tổng đài Nàng Dâu xin nghe.”
“Chào chị. Một cô gái sẽ nhận lời cầu hôn của một chàng trai khi nhận được nhẫn vàng, nhẫn kim cương hay một chiếc nhẫn mĩ kí cùng với một trái tim biết yêu?”
Tôi chợt cười bởi câu hỏi của chàng trai ấy.
“Còn xem cô gái của anh là người như thế nào?”
“Một cô gái xinh đẹp vừa phải, có một túi tiền hơi lớn và cái tôi thì cực kỳ lớn.”
“Anh yêu cô ấy chứ, hay chỉ bởi anh muốn chinh phục cái tôi của cô ấy?”
“Tôi…”
“Nếu anh làm một người đàn ông đẹp trai vừa phải, có một túi tiền lớn vừa phải, có một cái tôi cực kỳ lớn thì với anh, cô gái ấy chỉ là do hiếu kỳ. Anh đừng đem hôn nhân đến làm món đồ đặt cược cho trò đùa tình cảm. Hãy cầu hôn, nếu anh yêu cô ấy. Và nếu là tôi, thì chỉ cần tình yêu cũng khiến tôi gật đầu với một chiếc nhẫn mĩ kí rồi.”
“Cảm ơn chị.”
Tôi bước đến bên cửa sổ, hoàng hôn đẹp quá. Đỏ huyền hoặc pha tím mộng mơ, có chút ánh vàng của nắng cuối chiều. Phía xa, mây trắng xốp dầy lên từng lớp. Tôi nghĩ về giọng chàng trai vừa rồi, rất quen. Và câu chuyện ấy, cũng rất quen. Lạ. Cuộc đối thoại với anh ta cũng như cuộc đối thoại của tôi với chính tôi. Có thật là tôi sẽ gật đầu với một chiếc nhẫn mĩ kí hay không?
Tôi đã ba mươi.
Tôi là một nàng dâu.
Tôi sinh ra là để phục vụ các nàng dâu.
Tôi còn phục vụ những người đã là nàng dâu, đang là nàng dâu, và cả những người có những điều muốn tâm sự về nàng dâu.
Tôi chưa từng làm dâu một họ.
“Alo.”
“Chị ơi, lại có một cuộc gọi nữa muốn được sự tư vấn từ chị, bà cụ này khóc ghê lắm, như thể bị con dâu bạo hành ấy.”
“Chuyển máy cho chị.”
Cuộc gọi cuối cùng trong ngày.
“Tổng đài Nàng Dâu xin nghe.”
“Con đang nghe máy đấy à.” – Giọng người phụ nữ già run lên từng đợt theo tiếng nấc.
“Vâng, có chuyện gì vậy bác. Bác kể con nghe đi.”
“Bác có hai con trai, hai con dâu và một cô con gái. Cuộc sống gia đình, cũng có lúc này lúc kia, nhưng gia đình bác lại ổn thoả, nhờ công ty của con cả đấy. Hai con dâu bác khen con không ngớt lời.”
“Cảm ơn bác, công ty con chỉ….”
“Nhưng cô con gái của bác đã ba mươi mà chưa lấy chồng, chưa một lần giới thiệu bạn trai. Nó làm trên Hà Nội nhưng cách nhà không quá xa, dạo trước, dăm bữa nửa tháng nó về đôi ba lần, nhưng thưa dần, nó chỉ còn gửi tiền về. Thi thoảng gọi điện hỏi thăm bác qua loa rồi thôi. Bác tủi lắm con à.”
Tôi không biết nói gì với người phụ nữ già ấy, con gái của bác, giống tôi quá. Liệu mẹ tôi, có giống bác không?
….
“Đến bây giờ, nó còn không nhận ra giọng của mẹ nó nữa. Trang, về đi con à. Muốn làm tốt dâu nhà người, thì trước hết cần phải là con ngoan của mẹ.”
Sơn La, ngày 5 tháng 8 năm 2012
Nhiên.