- Ngoeo ! Ngoeo ! Ngoéooooooo !!!! . Con mèo còi kêu thảm thiết, tiếng kêu chói tai như tiếng sét xé nát bầu trời xanh thẳm và cái nắng chang chang của một ngày giáp tết. Rồi. Nó rùng mình lao như bay vào nhà, chân nó đáp êm ru trên bậu cửa nhưng cũng đủ chút đất bụi rơi lả tả, chẳng nhiều nhặn gì, chỉ một vết chân mèo.
Con mèo rón rén đến bên người phụ nữ nằm trên chõng tre. Cái chõng mục nát. Nhìn đi nhìn lại, trong “căn nhà” ấy, chẳng có gì đáng tiền, cũng không có không khí Tết, trong nhà chỉ có một người bệnh còm cõi da bọc xương nằm thở yếu ớt, bên cạnh cô là một con mèo còm nhom trơ trụi. Cơn ho lại ập đến, người phụ nữ ấy ho một tràng dài, khóe môi cô ươn ướt vị tanh tanh. Cô thở hổn hển, mệt nhoài nhìn con mèo. Con mèo liếm láp bàn tay cô, bàn tay đã bị rớt rụng, chẳng còn những ngón. Rồi đôi mắt nó long lên, màu xanh của mắt nó biến thành màu hung dữ. Nó lại gào lên thảm thiết. Nhịp thở của người phụ nữ đã tắt. Tim ngừng đập, cô ngừng thở, nhưng đôi mắt cô không nhắm. Con mèo vẫn ngoeo ngoéo, tiếng kêu đau đớn xé lòng, nó kêu không chỉ như níu giữ linh hồn người chết, nó kêu như con khóc mẹ. Con mèo vẫn kêu.
Ai cũng thấy phiền bởi tiếng mèo kêu, tiếng kêu rờn rợn làm không khí Tết trùng xuống. Con mèo lại lao ra ngoài sân, lớp bụi rụng theo vết chân nó. Đám lão Tứ bên bàn nhậu bực bội, tiếng mèo kêu khiến mấy lão đang cầm chén rượu lại phải đặt xuống. Lão Bình, lão Hoành dắt díu nhau, chân nam đá chân xiêu bước đến, trên tay mỗi lão cầm một viên gạch, nhìn thấy con mèo ngoài sân, hai lão đáp gạch chan chát. Con mèo lùi lại, tránh đòn. Hai lão lại khoác vai nhau quay về nhà lão Tứ, không quên bỏ lại vài câu chửi :
– Im đi cho bố mày uống rượu ! Kêu nữa bố mày thịt !
Con mèo chỉ gầm gừ trong cổ họng, nó xù hết người, rồi lại vào “nhà”, viền mắt ầng ậc nước, con mèo đau đáu lặng nhìn đôi mắt không nhắm của người phụ nữ. Nó đi qua đi lại, những ngón tay ngón chân bị cụt khiến nó hụt hẫng, chẳng bước nữa, nó dừng lại, liếm láp. Nó không sợ một người hủi.
****
Bên nhà lão Tứ, đám nhậu đã tàn. Lão Bình gật gà gật gù cưỡi chiếc xe to bè đi ra khỏi ngõ, lão Hoành đi sau, cũng vậy. Con mèo rón rén nhảy lên yên xe từ lúc nào. Xe lắc lư. Con mèo bám những móng vuốt sắc nhọn vào yên xe. Nó kêu, tiếng kêu của nó khiến tóc gáy lão Hoành dựng ngược, vướng víu, lão tháo mũ bảo hiểm vứt xuống đường, chiếc mũ lăn lông lốc vào vỉa hè. Con mèo vẫn kêu, một luồng khí lạnh lướt qua lưng lão. Mặt lão trở nên tái xám, lão quay lại thấy con mèo còi xù lông, dựng đuôi, đôi mắt nó sáng rực, nó gầm gừ đe dọa lão. Lão quờ tay ra sau để hất con mèo, con mèo nhanh chân hơn, nó vụt lao xuống vệ đường. Lão Hoành quay lại giữ tay lái, nhưng không kịp nữa, lão chỉ kịp nhìn thấy mình đâm thẳng vào chiếc ô tô đi ngược đường. Thân thể lão cùng chiếc xe máy nát bét, máu tong tong chảy giữa đường, máu tanh nồng trộn với đất bụi. Người ta xúm xít lại xem vụ tai nạn, rồi người ta kết luận lão Hoành do uống rượu khi điều khiển xe máy nên gây ra tai nạn và tử vong.
Con mèo thong thả bước về “nhà”. Nó đã trả thù kẻ không bán thuốc cho “mẹ” của nó. Những cơn ho kéo dài của “mẹ” nó cũng từ lão mà ra. Cô bị phong, cô bị lao phổi. Cả cái làng này sợ cô, hắt hủi cô, cô chỉ có con mèo để bầu bạn tâm sự. Khi trước cô xinh đẹp, nết na, nhiều gã theo đuổi nhưng cô lại ưng lão Tứ. Hợp đôi hợp số, cô và lão cũng thành vợ thành chồng. Rồi cũng một mặt con với nhau. Thằng cu mặt mũi sáng sủa, lại lém lỉnh. Lão Tứ vui ra mặt, hãnh diện với bà con chòm xóm. Từ ngày có thằng cu con, công việc buôn bán của lão phất lên hẳn, từ ấy lão có tiền. Lão cũng cưng chiều vợ, cho đến một ngày, những vết lốm đốm, những sần sùi trên da vợ khiến lão sinh nghi. Mà lão nghi đúng, vợ lão bị phong. Ban đầu lão để vợ ở phòng riêng, được vài ngày, lão cho người đến dọn mảnh đất cụt xa nhà nhất, lão dựng cho vợ “căn nhà”. Gọi là căn nhà, thực ra đấy chỉ như cái chòi, là chỗ đi ra đi vào được, nắng thì không sao, nhưng trời đổ mưa thì nước lép nhép nền đất. Thằng cu con vì trông kháu khỉnh nên lão giữ lại. Lão cũng chẳng coi mẹ của đứa trẻ là vợ. Đuổi vợ đi chưa được bao lâu, hắn đã cưới được cô vợ hai, đám cưới rình rang lắm.
****
Lão Tứ mặt vẫn đỏ gay đỏ gắt nằm trên tấm sập gụ giữa nhà. Thằng cu con vào lay mãi lão mới lóc ngóc dậy.
– Sao ?
– Bác Hoành bị tai nạn, chết rồi bố ạ. – Hai từ “chết rồi” làm lão tỉnh ngủ, tỉnh cả cơn say. Lão hỏi vội con.
– Tai nạn ở đâu ?
– Ngay ngoài ngõ nhà mình ạ.
Nghe đến đấy lão lập cập bò dậy, xỏ ngay đôi dép chạy ra ngoài. Cả đám đông đang xúm xít, lão gạt người ta ra mà chen vào. Lão bạn nhậu của lão chỉ còn là đống thịt nát nằm trên đường. Lão chẳng dám lại gần, chính lão cũng thấy gớm ghiếc, lão chạy đến cống nôn thốc nôn tháo, nôn ra cho bằng được những đồ nhậu, những rượu, những sự sợ hãi. Vợ lão Hoành chạy đến, mắt đỏ hoe, túm lấy lão Tứ mà giật, mà lắc.
– Trả chồng cho tôi ! Trả chồng cho tôi ! Rượu với chè !!!
Vợ lão Hoành tóc tai rũ rượi cả, ả buông lão Tứ ra, ả ngồi lê lết trên đường, ả khóc, ả gào, ả đớn đau. Dù ngày thường người ta có ghét ả đến đâu thì hôm nay trông thấy ả như vậy, có người nói “Nhà này năm nay mất tết”, người thì “Ghê quá”, nhưng cũng có người động lòng rơi giọt nước mắt. Nhà ả nổi tiếng bán thuốc vừa đắt lại bỏ mặc người mua. Ả thích thì bán, ả không ưa thì mời đi chỗ khác. Mới chín giờ tối có người đến mua thuốc hạ sốt cho con ả cũng mặc, con người chứ con ả mà ả lo. Ấy vậy mà người ta vẫn mua ở hàng ả, vì ả có bằng trung cấp dược, trước làm y tá trên thành phố rồi mới về đây. Bởi thế mà ả tự tung tự tác.
Mãi sau lão Bình mới chạy đến, cái bụng phệ của lão lấm tấm mồ hôi. Nhìn cô em dâu, lão biết cái tin lão vừa nghe thấy không phải đứa nào nó thù ghét mà chửi rủa nhà lão. Lão dù sợ xanh mặt nhưng cũng cố hốt xác em trai, nhặt nhạnh đem về mai táng.
****
Khóc mãi cũng mệt, bên nhà lão Hoành chỉ còn tiếng rên ư ử, tiếng sụt sùi. Lão Bình, lão Tứ thất thần ngồi đừ ra. Con mèo lại kêu. Tiếng kêu của nó khiến đứa trẻ đang ngủ trong nhà khóc ré lên khiến hai lão giật mình thon thót. Con mèo kêu một lúc lại im bặt. Nửa đêm, gió thốc qua nhà, giật cánh cửa mở toang. Gió kéo ngược, dựng những đôi mắt lim dim gật gù bên linh cữu. Họ ngước mắt dậy. Con mèo còi xù lông, nhe răng nhọn hoắt, chiếc đuôi trầy trật của nó dựng thẳng, khẽ rung theo tiếng gầm gừ của nó. Đôi mắt xanh hung dữ của con mèo rọi thẳng vào mắt lão Bình. Lão hốt hoảng nhận ra là con mèo ban chiều, lão ú ớ trong cổ họng :
– Mèo ! Có mèo !
Con mèo thấy lão hét vậy, gầm gừ rồi nhảy vọt ra cửa, trốn vào đêm tối. Cả nhà lão Hoành bị đánh thức lại lục tục mò dậy. Cả đêm, nhà ấy mất ngủ. Lão Bình từ lúc ấy cứng họng, cứ ấp a ấp úng “Mèo ! Mèo”.
Hôm sau, đám đưa nhanh gọn. Chẳng kèn trống rầm rộ, chẳng nhiều người đến viếng, lác nhác vài người. Ông Bình, anh trai lão Hoành như dở như điên, vẫn cứ lẩm bẩm “Mèo! Mèo”. Họ nhẹ nhàng thả chiếc quan tài xuống, những nắm đất bay xuống cái hố sâu, họ lấp đất nhanh lắm, nhanh như thể họ sợ cái thân hình phì nộn đầy những máu những mỡ của lão Hoành sẽ bốc mùi, ám vấy vào họ. Vút ! Con mèo còi bay qua đạp đổ que nhang vừa thắp, bát cơm cúng lăn lông lốc vãi những hạt cơm trắng lên mặt đất. Nó hiên ngang đứng trên nấm mộ, gầm gừ đe dọa. Chân trước nó cào cào bới đất. Rồi nó nhảy vào người lão Bình cào cắn. Đám người hốt hoảng chắp tay khấn vái, lão Bình khóc ré lên như đứa trẻ, tay chân luống cuống hất con mèo. Lão Tứ nhận ra con mèo ấy, là con mèo còi xác xơ, lão đuổi theo nó. Con mèo chạy nhanh qua những nấm mộ, nó cứ lao về phía trước. Nó thoát thân. Lão Tứ gập người thở hồng hộc. Lão nhìn quanh, giờ lão trơ trọi, mất phương hướng giữa bãi tha ma. Gió đập cành tre vào với nhau, tiếng chim lợn kêu éc éc. Đám người nhà lão Hoành chỉ như chấm nhỏ, lão Tứ hướng theo phía ấy mà đi về, đôi chân lão run cầm cập.
****
– Mình vào nghỉ ngơi đi ! – Vợ đưa cho lão Tứ cái khăn mặt còn xâm xấp nước. Lão lau vội lau vàng, lau hết mùi người chết, lau những giọt mồ hôi nồng. Đưa trả chiếc khăn cho vợ, lão giật mình, chiếc khăn chuyển màu đỏ, chiếc khăn đầy những máu, lão tuột tay, chiếc khăn rơi xuống đất. lão nhìn lại, vẫn cái màu cháo lòng chứ có màu nào đâu, chắc là do lão thần hồn nát thần tính đấy thôi.
– Mình sao thế ? – Vợ lão hỏi, nét mặt đầy lo lắng.
– Không sao. Ngoài đồng nắng quá nên tôi hơi nhức đầu hoa mắt thôi.
– Mình nghỉ ngơi đi. Gớm nắng nóng, lại đám ma đám chay. Còn đâu mà Tết. – Vợ lão loẹt xoẹt đôi dép đi ra sân rửa mấy tấm lá rong. Hôm nay đã hai tám Tết.
Lão Tứ đặt mình xuống cái sập gụ, đôi mắt lão lim dim nhưng tim lão đập mạnh, lão nhớ lại lúc con mèo bay qua đạp đổ bát cơm cúng là mồ hôi lại mướt sống lưng lão. Lão cố nghỉ ngơi, nhưng vừa chợp mắt thì tiếng mèo kêu khiến lão bật dậy. Cái giống mèo ấy vừa xấu vừa đáng ghét. Với lão, con mèo ấy cũng chẳng khác gì chủ của nó, ốm o, rách nát, chẳng được tích sự gì. Lão nhớ sau dạo vợ cũ của lão bị bệnh chuyển ra ở một mình một thời gian thì ở bên ấy xuất hiện một con mèo, con mèo cũng ốm nhách, nhưng nó là con mèo lắm điều. Con mèo ấy rất biết cách kêu, nó kêu đúng lúc, khi chủ nó đau cần thuốc, khi chủ nó đói cần ăn là con mèo ấy sẽ kêu thật lực, để có người để ý, lần nào lão Tứ cũng là người không chịu nổi tiếng kêu. Thực ra lão cũng chẳng tốt với vợ cũ như vậy đâu, nhưng ngày xưa nếu không có của nả của gia đình nhà vợ, chắc lão cũng không giàu lên được, lão sợ vợ cũ bù lu bù loa lên, nên lão nhịn, đôi ba ngày lại có người qua để bát cơm miếng rau, họa hoằn thì có miếng thịt dính đầy mỡ. Lần này, tiếng mèo kêu không chỉ khiến lão bực mình mà còn nén vào lòng lão sự sợ hãi. Mắt nhắm mắt mở, lão bò dậy, xỏ đôi dép rồi đi ra ngoài ngõ. Vợ lão thấy lão bước ra khỏi nhà với dáng dấp bất thường liền đuổi theo. Tiếng bước chân sau lưng khiến lão Tứ giật mình, lão cố quay người lại mà không thể cử động, đôi chân lão cứ thế bước về phía trước, vội vã hơn. Lão đi như ma đuổi, chẳng mấy chốc đã đến trước “căn nhà” ấy. Com mèo còi đang đứng giữa sân, vừa trông thấy lão Tứ, nó gầm gừ tự vệ, nhe những cái răng nhọn hoắt đe dọa lão Tứ. Lão Tứ rút dép dưới chân ném thẳng vào con mèo, nó nhảy vút, nhưng vẫn bị cả chiếc dép của lão Tứ bay vào người, nó gầm ghè rồi lao vào nhà, bay nhanh qua bậu cửa. Lão Tứ đã nhặt kịp hòn đá khá to ném trúng bậu cửa, con mèo trúng thêm đòn nữa. Vệt máu rớt ở bậu cửa, lão Tứ đuổi tới cùng, nhưng khi lão vừa bước qua cánh cửa mục ruỗng, lão thấy mùi lạ. Một mùi hôi thối khó chịu, và đập vào mắt lão là xác người vợ cũ đã dần hoại tử. Ruồi nhặng bay vo ve trên chõng tre. Đôi mắt mở trân trân của người vợ cũ khiến lão trở nên bấn loạn. Con mèo còm nhom đang ở bên xác người “mẹ” của nó, nó kêu, nó gào. Tiếng kêu gọi hồn người chết về. Lão Tứ hoảng sợ, chân tay lão đơ cứng lại, những cơn đau dồn dập ập đến, lão lết ra khỏi căn nhà mục nát, lão khó khăn đưa tay lên giữ chặt phía ngực trái. Bước chân lão loạng choạng, khắp người mồ hôi toát lạnh ngắt, lão nôn, nôn thốc nôn tháo, nôn cả cái thứ mật vàng nhờ nhợ.
– Mình ơi ! Mình sao thế ? – Vợ lão lúc ấy mới chạy đến, mớ tóc dài xõa bung chưa kịp buộc lại. Ả chạy đến đỡ lão chồng to lớn.
– Chôn ! Chôn đi ! – Lão Tứ nói, chới với, đứt đoạn. Từ miệng lão ộc máu. Lão chết.
– Cứu ! Ai giúp chồng tôi với ! – Vợ lão hét lên trong hoảng loạn.
Chỉ có tiếng mèo kêu trong nhà đáp lại lời ả. Một lúc sau mới có tiếng chân ở gần đấy chạy đến.
****
Ngay chiều hôm ấy người ta chôn xác người vợ cũ. Họ không dám đến gần nhưng không còn cách khác, người chết thì phải chôn. Người ta chôn cái xác ấy ở một khoảnh đất cách biệt những ngôi mộ khác. Không kèn không trống, không người đưa. Con mèo là “người” thân duy nhất của người đàn bà bị hủi cũng không xuất hiện. Khi người ta đang xúc đất hất xuống quan tài, tiếng mèo kêu lại vang lên. Đám trai cầm những chiếc xẻng tay run rẩy. Con mèo còm nhom trầy trật què quặt bước đến. Nó trừng đôi mắt nhìn bọn người lạ. Cả đám ấy dạt ra không dám đến gần con mèo, họ sợ bị mèo ám, sợ bị trừng phạt. Chỉ có kẻ yếu bóng vía mới vậy. Con mèo nhe răng như cười khẩy, nó quất đuôi, nhảy xuống huyệt sâu, nằm gọn ở phía đầu quan tài. Đám trai do dự một hồi rồi tiếp tục hất đất. Đôi mắt của người nằm trong quan tài từ từ khép xuống, khóe môi dường như đang cười.
Ở lũy trẻ ở phía xa, một cậu bé chừng bảy tám tuổi nhìn về phía đám người. Mắt cậu rơm rớm, cậu khóc. Một con mèo con từ bụi tre đi ra, quấn lấy chân cậu bé, liếm láp, nựng nịu. Cậu ôm con mèo vào lòng, cậu gạt nước mắt, bình thản ôm con mèo về nhà.
Gió thổi, những thân tre cao vút đập vào nhau kẽo cà kẽo kẹt. Con mèo nhỏ kêu một tiếng xót xa.
Leave feedback about this