Sự ổn định khiến người ta lao lực
Tôi nghĩ mãi về điều này khi vô tình xem một mẩu tin tức về khu chung cư lâu năm có nguy cơ sập đổ. Sự ổn định tôi nói ở đây chính là những ngôi nhà. Trong suy nghĩ của đại đa số chúng ta, từ trước đến nay, vẫn cho rằng an cư lạc nghiệp, tức là phải định được nơi ở thì mới có thể mà vui vẻ bước thênh thang trên con đường sự nghiệp.
Ngày trước, với đấng nam nhi, nam nhân mà nói, trong cuộc đời có ba việc lớn cần làm là dựng nhà, tậu trâu, cưới vợ. Xét cho cùng, việc quan trọng nhất là phải có một căn nhà và ngày nay, dường như người ta vẫn quan niệm như vậy.
Ở những thành phố trung tâm, đất chật người đông thì việc có được một mảnh đất là không dễ dàng gì, nhất là khi ngày càng nhiều người ở tỉnh lỵ đổ xô về thành phố lớn, và đương nhiên, họ cần nơi cư trú, cần những mái nhà.
Đất không đủ, người ta dần chọn mua một căn hộ tập thể hoặc chung cư. Mẩu tin tức tôi coi lúc ấy, tự dưng khiến tôi nghĩ đến việc có nhiều gia đình đang mất đi nơi ở, mất đi chốn ổn định của họ.
Nhiều khi, việc mong muốn sự ổn định và chiếm hữu khiến người ta lao lực. Với trình độ, kĩ thuật, cái tâm và cái tầm của việc xây dựng ở nước nhà, thì có lẽ tuổi thọ cho một căn chung cư được khoảng 30 năm. Trong khi mức thu nhập bình quân năm 2016 của Việt Nam là 50 triệu đồng/người/năm và giá của một căn chung cư dao động từ 1.2 tỉ (trở lên), đó là chưa tính các phí như phí vệ sinh, phí dịch vụ, bãi đỗ xe…, như vậy tương đương với 24 lần của 50 triệu. Vậy sau 30 năm, khi căn nhà cần phải sửa, đổi mới thì họ sẽ có biện pháp thế nào? Mua một căn hộ mới, bằng với 24 lần thu nhập bình quân?
Thực ra, tôi đặt ra một câu hỏi vô lý vì những con số đem ra để so sánh hoàn toàn là khập khiễng. Nhưng, có đắt không so với sự ổn định mà người ta mong muốn? Bởi có rất nhiều người trẻ, phải lao lực để kiếm tìm một thứ, gọi là ổn định.
Tôi vốn là người không mưu cầu sự ổn định nên mãi cũng chưa ổn định được điều gì. Hồi tôi còn học đại học, tôi có quen với gia đình một anh giảng viên trường cao đẳng, anh nói rằng anh rất sự ổn định. Vậy mà, vài năm sau, tôi mới hiểu đôi chút vì sao anh nói như vậy.
Không biết từ đâu người ta lại yêu thích sự ổn định đến thế. Có thể đó là một cảm giác an toàn, nhưng chỉ là người ta theo đuổi sự ổn định mà lờ đi sự chuyên tâm. Chuyên tâm tôi nói ở đây là công việc.
Sau nơi ở, người ta sẽ kiếm tìm những công việc ổn định và nhiều người cho rằng làm trong nhà nước thì sẽ ổn định, sẽ là một công việc bất di bất dịch, chỉ có thăng tiến mà không có bước lùi. Giống như thể, làm sếp thì không lo bị bãi chức, con sếp thì sau này cũng lại làm sếp. Nhưng, công việc nhà nước mức lương trung bình cho một cử nhân đại học, mới ra trường là khoảng 3 triệu/tháng; 36 triệu/năm, cơ chế tăng lương là 2-3 năm một lần, mỗi lần mức lương sẽ nhúc nhích được thêm vài trăm ngàn. So sánh với mức lương của tôi – cho công việc ổn định là ba triệu một trăm ngàn với mức lương của mẹ tôi, người đã đi làm 32 năm – sáu triệu, vậy mới biết cái giá của sự ổn định là thế nào.
Công việc ổn định, là điểm đến của những đứa trẻ thiếu lý tưởng như tôi, là điểm dừng chân của con ông cháu cha, là nơi để phấn đấu thăng tiến của những người trẻ có lý tưởng, là nơi của những kẻ gàn dở cho rằng mình có thể thay đổi cả một bộ máy hành chính cồng kềnh, cũ kĩ, là con đường thoát khỏi ruộng đồng của nhiều bạn trẻ. Họ muốn rũ bùn! Hoặc là nơi để dễ lấy chồng… Có muôn vàn lý do cho công việc ổn định, kiên định hơn bất cứ muôn vàn lý do thực tế nào khác.
Bởi tôi là một đứa trẻ không sống bằng lương mà sống bởi tình thương của cha mẹ nên tôi được ăn nhờ ở đậu nhưng ở ngoài kia, có rất nhiều người có công việc ổn định nhưng không thể sống dựa vào đồng lương, cũng không thể dựa dẫm vào cha mẹ nên người một công việc ổn định, người ta có thể một công việc không ổn định khác. Vậy là, thay vì làm việc 8 giờ/ngày, họ sẽ là 8 + n/giờ/ngày. Để lo được cho cuộc sống của mình. Hẳn là sự ổn định khiến người ta lao lực.
Tuy nhiên, sự ổn định về nhà ở, công việc không đáng sợ bằng sự ổn định – không dám buông bỏ trong hôn nhân. Đã kết hôn, thì không có ly hôn, cho dù có điều tồi tệ gì xảy ra đi nữa. Và sự ổn định này, chưa hẳn là chuyên tâm. Dù cho chịu đựng phụ bạc, bất công, bạo hành về tinh thần hoặc thể xác nhưng người ta không dám, không nỡ buông bỏ sự ổn định một vợ một chồng.
“Chị sẽ bỏ chồng chứ?”
“Chỉ cần có được quyền nuôi con, chị sẽ bỏ.”
Chị nói với tôi như vậy vào lúc chị vừa bị chồng đánh.
Rồi, chị không làm như chị đã nói.
Người ta có rất nhiều lý do để không buông bỏ hôn nhân không vẹn toàn của mình, vì con cái, vì thể diện của gia đình, vì sợ mất đi chỗ dựa, vì thói quen, vì họ còn yêu, vì họ nghĩ rằng họ không còn có thể bắt đầu lại…
Và tôi sợ, cái suy nghĩ ổn định ấy. Khiến người ta lao lực.
Nhiên.
Leave feedback about this