Dạo này tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
“Tự đề cao bản thân.”
“Không biết cân bằng cuộc sống.”
“Lao vào làm việc để trốn tránh tổn thương.”
Thực ra điều nào cũng đúng cả – ở góc nhìn của người nói. Còn ở góc độ của người tiếp nhận thì lại là một câu chuyện khác.
Tôi có xu hướng bơ đi hoặc trốn tránh những luồng tin tiêu cực đến với mình. Bảo là không đủ dũng cảm cũng được, bởi vì – dũng cảm, tôi dành để làm những công việc khác. Như là một tương lai tôi chưa định hình được. Một công việc làm tạp chí như xây lâu đài cát.
Hôm bữa, tôi có lướt FB và thấy đâu đó có những dòng đại loại như là, một người ăn mày sẽ chẳng bao giờ ghen tị với khối gia tài của những người như Bill Gates nhưng sẽ ghen tị với người ăn mày kế bên, nếu họ nhận được nhiều tiền bố thí hơn. Và, có lẽ cũng bởi vậy mà sự công nhận đối với một người, thường đến từ người lạ – chứ không phải những người thân quen.
Sự phủ định lại đến từ những người thân quen chứ không phải những người xa lạ.
Chúng ta đều là con người. Tức là không hoàn hảo, có điểm xấu và điểm tốt; và chỉ có những người thân cận mới nhìn rõ những điều ấy. Đáng tiếc là, đa phần chúng ta dùng mắt thường để nhìn vào điều tốt, còn dùng kính hiển vi để nhìn vào điều tiêu cực.
Tôi – một người bình thường – đi học, đi làm, đi chơi, có những lúc sống lỗi. Vậy, tại sao tôi lại là người có sách được xuất bản. Tại sao tôi là người làm chủ biên của cuốn tạp chí? Tại sao tôi có những chuyến đi đến nơi người khác chưa đến? Tại sao tôi cũng sai, và vẫn có những người ở bên ủng hộ?
Và, tại sao, tôi không được tự hào về điều ấy?
Nếu như, đến chính mình cũng phủ nhận bản thân mình, không quý trọng những điều mình làm được, có được, vậy thì… tất cả những điều đã qua mang giá trị gì?
Chúng ta, ai cũng sợ cô đơn, cô độc. Nhưng mỗi người được lựa chọn cách đối diện hay là trốn tránh.
Gần đây tôi hay nghe <Hai triệu năm> của Đen và Biên, tôi rất thích một câu rap của Đen, “chúng ta đang tiến hóa để cô đơn”. Không phải ai cũng đủ độ lượng để bao dung cho sự khác biệt của người khác, vậy nên chỉ có thể học cách tự yêu thương lấy chính mình.
Tôi nghe ai đó nói rằng tôi khác người vì tôi là nhà văn.
Nhưng, vốn dĩ, tôi tồn tại và sống trước khi viết. Tôi là chính mình cho ngày của quá khứ, hôm nay và ngày mai. Và nhà văn, cũng chỉ là một trong những vai trò tôi có, không phải tất cả những điều ai đó nhìn thấy.
Chúng ta chỉ là những bóng dáng lướt qua đời nhau. Dăm ba lời phán xét cũng không đủ để tôi cay cú. Có chăng, tôi lại bật máy tính, rồi viết dăm ba điều chia sẻ.
Bạn sẽ biết ai là bạn, ai là bè khi bạn xuất hiện ở những cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu của người khác. Bạn nên vui, nên buồn, nên đón nhận sự “ám ảnh” của bạn đến người khác thế nào – khi mà bạn chỉ lướt qua đời họ, còn họ kể câu chuyện về bạn, bàn luận về bạn?
Ngôn từ – là thuốc bổ, cũng là thuốc độc.
Ngày ngày, chúng ta mang đến cho nhau những liều thuốc chỉ để thỏa thuê sự quan tâm của chính mình.
Như là,…
Ngày ngày, tôi sống với đả kích. Từ chính mình.
Chỉ trích bản thân chưa đủ chăm chỉ, chưa đủ nỗ lực trong những tháng ngày tươi trẻ bởi mải đi chỉ trích và đả kích người khác.
Cuộc đời, tưởng là rất dài. Nhưng nghe ra thì ngắn.
Chớp mắt đã hết cả thanh xuân.
Niềm vui của người này là dạo chơi.
Niềm vui của người khác là thành quả.
Niềm vui của tôi, là chính mình.
Cứ đến đả kích tôi, để tôi biết chúng ta còn quan tâm nhau. Dù sự quan tâm ấy như dao sắc và vết cứa.
Để tôi có thể trở thành một nhà ảo thuật tài ba, biến những vết sẹo thành những bông hoa rực rỡ sắc màu.
Nhiên.