Nhiên Đi Rong Chơi Paknamnoy - trạm dừng chân cho kẻ lơ ngơ

Paknamnoy – trạm dừng chân cho kẻ lơ ngơ

Lần đầu tiên tôi đến Paknamnoy là vào một ngày đầu hè – tháng Tư. Tôi lên hành trình cho chuyến đi Lào vào dịp Lễ té nước (Tết Bunpimay, diễn ra giao động từ ngày 13-17/4 hàng năm). Dù lên lịch trình nhưng tôi chỉ đặt được dorm mà không đặt được xe, bởi vậy chuyến đi của tôi khá chắp nối, có điều đón nhận những chắp nối ấy cũng thú vị.

Vào dịp lễ, đúng hôm tôi từ Điện Biên đi thì không có xe để đến thẳng LuangPrabang như dự định, có người khuyên tôi nên chờ thêm một hôm hoặc dừng lại hành trình của mình bởi chuyến độc hành của người khiến người khác lo lắng nhưng sau cùng, tôi lên một chuyến xe đến Oudomxay. Họ nói tôi có thể dừng ở MuangKhoua (có một chuyến đi khác tôi đến MuangKhoua – sẽ viết về nơi này sau) và bắt xe tiếp, nhưng khi lên xe, lái xe khuyên tôi nên đến hẳn Paknamnoy và chờ xe đến Viên Chăn, chuyến xe đó có đi qua LuangPrabang.

wp_20150413_013

Paknamnoy là một trạm xe khách nhỏ, là điểm trung chuyển từ các tỉnh Oudomxay, Phongsaly, Luangnamtha… Ở đó có một dãy nhà nghỉ đơn sơ. Một hàng cơm, ở trạm chờ xe có hai chiếc ghế băng gỗ dài. Đối diện đường là hai cửa hàng tạp hóa và vài sạp nhỏ bán đồ nông sản của người bản địa. Cư dân ở đó đa phần là người dân tộc thiểu số và họ không nói tiếng Anh nên khi mua sim, tôi đã dùng đến body language. Mua xong sim thì tôi quay về trạm chờ, kích hoạt sim theo hướng dẫn ghi ngoài vỏ sim và báo với dorm về việc đến muộn của mình. Rồi tôi tĩnh lặng nhìn mọi thứ. Lúc đó là mười hai giờ trưa, vẫn có người qua người lại. Một lúc sau, những tốp người chờ xe đều theo những chuyến xe đi mất bởi vậy nơi ấy yên ắng đến e ngại. Chỉ có vài con gà với bộ lông mỡ màng loanh quanh nơi sân bãi, và chỉ còn tôi ngồi chờ ở ghế dài. Tôi lấy trong balo chút đồ ăn vặt để ăn cho qua bữa trưa rồi tiếp tục ngồi ngây ngốc.

May mắn cho những năm ngây ngốc trong cuộc đời mình là bên tôi luôn có giấy, bút và một cuốn sách nào đó. Khi nhàm chán tôi sẽ viết, viết chán tôi sẽ đọc, đọc chán tôi lại ngẫm nghĩ, vần vò với những câu từ. Lúc đó tôi nghĩ về chuyến đi của mình. Tiếng Anh của tôi chỉ ở mức giao tiếp đủ dùng, đủ để gọi đồ ăn, hỏi đường và mặc cả. Tiếng Thái – ngôn ngữ na ná tiếng Lào thì tôi chỉ ở mức bập bẹ, hai ngôn ngữ tôi dùng lưu loát nhất là tiếng Việt và tiếng Trung thì tôi lại không biết mình có thể dùng đến hay không. Tôi do dự, lo lắng rằng mình sẽ độc hành thế nào, ở một nơi xa lạ, gặp gỡ và trò chuyện với những người xa lạ. Sau cùng, vì một niềm tin rằng ngoài kia có nhiều người lương thiện, tôi đã lên đường.

Sau này, mỗi khi thấy hụt hẫng về quyết định hay lựa chọn của mình trong biết bao ngã rẽ, tôi lại nghĩ đến ngày hôm ấy chờ xe ở Paknamnoy. Tôi nhớ người bán hàng dúi vào tay tôi củ măng đắng đã luộc nói “Ăn đi”. Tôi nhớ một chú người Việt làm ở Lào lâu năm ngồi trò chuyện với tôi để giết thời gian, dạy tôi vài từ tiếng Lào như “Sabaidee; Khopchai; Chaknguon” (Xin chào, Cảm ơn, Bao nhiêu tiền). Chú hỏi tôi học gì rồi nói nếu không thích làm ở Việt Nam thì qua bên đó làm. Một lúc sau chú phải rời đi, trước khi đi chú nói bà cụ ở quán cơm để ý giúp tôi chiếc xe sẽ đi Viên Chăn tối đó.

Sự nhàm chán rồi cũng qua dần, khoảng 5 giờ chiều xe vẫn chưa đến, tôi có chút sốt ruột rồi vào hàng cơm để ăn. Tôi gọi cơm nếp, hai xiên thịt, một bát canh rau. Cả quán chỉ có mình tôi an nhiên, an lặng ăn bữa chiều tối và nhìn dòng suối yên bình trôi. Và tôi đã có một buổi chiều như vậy.

wp_20150413_021

Ăn xong, tôi chuyển sang một bàn khác vẫn nhìn ra dòng suối, đọc sách và chờ xe. Đêm dần buông xuống, những sạp hàng phía đối diện đã dọn từ lâu, chỉ còn lập lòe vài ánh đèn. Mãi đến khoảng 8 giờ thì xe khách đến, tôi hồ hởi chạy ra nói với lái xe,

“Pày LuangPrabang.” (Đi LuangPrabang)

“Kin khảu cón.” (Ăn cơm trước đã)

“Khóp chài.” (Cảm ơn)

Khi xe khách ăn cơm thì tôi đến trạm mua vé. Cụ già chậm rãi viết vé xe cho tôi rồi mới thu tiền. Thứ duy nhất tôi hiểu trên tấm vé ấy là giá tiền viết bằng số. Khi nhận tấm vé tôi khá ngạc nhiên bởi khi chiều, lúc có chú người Việt nói tiếng Lào ở đó tôi có nhờ hỏi việc mua vé, cụ già nói là để khi nào xe đến mới viết vé. Tôi không nghĩ đó là sự bảo thủ hay nguyên tắc mà là thái độ làm việc. Vì lễ tết, có thể xe không chạy – giống như chuyến xe tôi bị lỡ nên cụ muốn một sự chắc chắn thay vì nhận tiền của một đứa trẻ lơ ngơ như tôi cho một tấm vé không chắc có đến hay không.

wp_20150413_023

Tôi đã đi nhiều chuyến xe, từ nhiều bến xe ở Việt Nam, nhưng có lẽ việc tự giác đưa vé cho hành khách chỉ gặp ở xe bus. Có nhiều chuyến xe, phụ xe còn tỏ vẻ không vui khi thấy hành khách đã mua sẵn vé xe. Có những chuyến xe, tiền vé thu ở xe cao hơn vé mua tại bến. Nhưng như một thói quen, chúng ta vẫn chấp nhận như vậy. Và rồi tôi rời trạm xe ấy như vậy.

Một niềm vui nho nhỏ được nhen nhóm bởi hành trình lại được tiếp tục.

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...