[Nước ngoài] T.

T.

T bao nhiêu tuổi tôi cũng không rõ, chỉ biết T nhiều tuổi hơn tôi. T gọi tôi là chị, có lẽ vì tôi làm quản lý ký túc xá mà T ở. Tôi không biết nhiều về cô ấy, đúng hơn là chẳng quan tâm mấy. Tôi làm việc của tôi, T làm việc của T, thỉnh thoảng có va chạm với nhau nhưng chưa lần nào gay gắt.

“T bị bắt rồi. Hôm qua.” Đồng nghiệp của tôi nói, khi tôi đến thay ca. “Bị còng tay.” Cô ấy nói thêm.

“Còng tay” – điều đó chúng tôi đều biết sẽ xảy đến khi người ta bỏ trốn rồi bị cảnh sát bắt lại, chỉ là, khi nghe thấy điều ấy. Vẫn xót.

Quê T ở Nghệ An, huyện nào, xã nào thì tôi không biết. Đi làm gần một năm tôi mới biết quê cô ấy, sau một lần nghe cô nói với đồng nghiệp bằng giọng Nghệ An. Bình thường, T nói chuyện với tôi bằng giọng Bắc.

T đẹp. Không phải bởi tôi nhìn đàn bà, phụ nữ, phái nữ với cái nhìn yêu thương hơn, mà bởi, T đẹp thật. Vừa sắc sảo, vừa nữ tính. Da trắng, tóc thẳng dài. Ở ký túc cô ấy ăn vận đơn giản, thoải mái nhưng mỗi lần đi ra ngoài T lên đồ khéo léo, trang điểm thêm một chút là lộng lẫy rồi.

“Lại biến hình đấy à?” Mỗi lần T đi ra ngoài, tôi đều hỏi như vậy.

Khi tôi nhận công việc quản lý ký túc xá, tôi nghĩ mình phải thật rắn, nhưng sau cùng tôi lại không làm như vậy. Thời gian tiếp xúc với những người lao động, họ vất vả, kham khổ nên tôi không muốn quá khó khăn hay bắt bẻ họ quá nhiều. Nhiều khi, khuất mắt trông coi. Như ở ký túc xá không cho phép nấu ăn, nếu phát hiện thì đều thu nồi hoặc viết cảnh cáo, thường tôi chỉ nhắc họ xuống lầu một nấu, và tự giác để bếp vào phòng quản lý.

Nhưng với T thì khác. Cô ấy hay bị tôi bắt gặp.

Phòng của tôi ở lầu một, phòng T ở lầu hai, ngay trên phòng của tôi. Nên mỗi khi cô ấy băm chặt gì đó tôi đều nghe rõ, lạch cạch…. lạch cạch….

Một lần, tôi đi một vòng quanh các tầng lầu để check các phòng. Đi đến lầu hai thì thấy rõ hương vị của món kho, còn kho gừng. Khi vào từng phòng một cũng không thấy ai đang nấu. Tôi giận lắm. Ai lại đang nấu ăn – ở đâu – mà tôi không thấy.

Đến lúc đi ngược lại thì thấy khu nhà tắm đóng cửa ngoài, tôi đẩy cửa vào.

“À.”

“Gà kho gừng.” Khi tôi mở vung nồi thì thấy nồi gà kho đã vơi vơi nước. “Chín rồi.”

Tôi tắt bếp, bê nồi gà để ra ngoài hành lang của lầu hai rồi mang bếp ga về phòng mình. Sau đó, nhìn lầu hai qua camera ở phòng quản lý.

Mấy phút sau, T ra khỏi phòng cô ấy, thấy nồi gà, cô ngó nghiêng ngó dọc rồi mang về phòng. Xong lại lò dò xuống phòng tôi.

“Nếu nấu tiếp thì nấu ngoài kia nhé.”

T cười. T đẹp, cười càng đẹp.

“T trốn rồi.” Bạn đồng nghiệp nhắn cho tôi vào tối thứ Hai – trước ngày T bị bắt chừng hơn một tháng. Tôi khá bất ngờ, nhưng chỉ là biết để nhận thông tin rằng ký túc lại có thêm một người bỏ trốn.

Sau này, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ về những câu thông báo của đồng nghiệp tôi hôm T bị bắt.

Khi bị bắt, cô ấy thế nào?

Đôi bàn tay bị còng?

Bị bắt và bị giam, bị tước quyền con người trước khi về nước…

và, còn gì khác nữa?

Tôi cũng không biết.

Nhưng, ai cũng biết. Khi lựa chọn bỏ đi, là khi người ta đã hình dung, ngày mình trở về. Như thế nào.

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...