Nhiên kể Nước ngoài - Giấc mơ bong bóng

Nước ngoài – Giấc mơ bong bóng

Giấc mơ Ngọc

Đảo Ngọc – Nơi ấy có cái tên thân thuộc như vậy.

Vậy là tôi đã đến nơi này tròn một năm. Một năm, ngắn mà cũng dài. Chớp mắt, đã đi qua. Nghĩ lại, cũng trải qua biết bao nhiêu chuyện.

Tuần vừa rồi, động đất nhiều, một hai ngày lại có một trận. Trời thì lạnh, kèm mưa, chỉ nghĩ nếu phải chạy ra ngoài thật, thì có khi mất an toàn vì trời quá lạnh nhiều hơn.

Nhiều người hỏi tôi rằng, vì sao lại đến nơi này? Tại sao không trở lại một nơi quen thuộc hơn, hay đi đến một nơi xa lạ hơn?

Với tôi, có lẽ đó là sự cố chấp của thuở thiếu thời.

Trước khi đến đây, tất thảy được bao trọn trong hai từ “Giấc mơ”. Tôi, cũng như nhiều người khác đến nơi này thôi, ai cũng có trong mình những ước vọng, những lo lắng và bất an.

Chuyện quanh mình, hôm nay, tôi sẽ kể.

Có những bạn trẻ, đến với Đài Loan với giấc mơ du học.

Có ai đó nói rằng, cứ đi học đi, sang đấy một thời gian, kiếm việc làm thêm là có tiền để trang trải học phí và các chi phí khác thôi, bên này đi làm lương cao lắm. Tiền lương đi làm là khoảng 140twd/giờ – cao thật (140twd ~ 100k). Nhưng người ta không nói rằng, mức học phí cần đóng cho khóa học ngôn ngữ, xấp xỉ 10.000 twd/tháng. Chưa kể chi phí thuê nhà, ăn uống và sinh hoạt. Cũng không nói đến việc nếu đi học không đủ giờ, sẽ bị cho thôi học. Cũng không ai nói rằng, thời gian đầu đi làm – là đi làm chui, nếu bị phát hiện, nhẹ thì cảnh cáo phạt tiền, nặng thì đuổi học, nặng hơn thì trục xuất.

Người ta ôm một giấc mơ màu hồng đến một xứ xa lạ với ước vọng rằng nơi đây sẽ là điểm khởi đầu của hạnh phúc, của thành công. Nhưng, rồi, họ sẽ dần vỡ mộng khi sáng ra đi học, trưa về ăn vội vàng rồi đi làm đến tối mệt, còn sức thì học bài, đuối quá thì lăn ra ngủ. Tôi biết, nhiều bạn, sang đây đi học, nhưng con đường quen thuộc là từ nhà đến lớp, từ lớp đến nơi làm thêm. Tôi biết, nhiều người nói rằng, ước mơ của họ là du học. Nhưng khi sang tới đây, họ vốn chẳng có thời gian – để học. Trong các nhóm của du học sinh, chúng tôi cập nhật với nhau đa phần các tin tức việc làm và cả những câu hỏi dạng như: Mình muốn đi học ở trường XX, mình muốn hỏi là gần trường có nhiều việc làm thêm không? Mình có giấy báo của trường YY, học bổng của trường cho là A, mức tiền đó có đủ tiêu không?

Tôi nhớ tôi đã trả lời dưới câu hỏi đó, kiểu như nếu bạn học ngành đó bạn có thể đi làm (ý tôi là đi làm hợp pháp và ở trường đó rất hiếm kí giấy để xin thẻ đi làm). Bạn ấy hỏi lại rằng học có nặng không, học nặng thì học xong còn đi làm thì mệt chết à.

“Vậy thì bạn mang theo nhiều tiền vào.”

Nhiều lúc, người ta quá tham lam với những suy nghĩ rất ư là bố đời, mẹ thiên hạ. Bạn vừa muốn trường top, bạn muốn có kiến thức nhưng bạn muốn học nhẹ nhàng, bạn lại muốn có học bổng dư tiền tiêu và lại không muốn đi làm thêm. Ok. No way.

Đương nhiên, trước khi đi du học, nhiều bạn đi qua các trung tâm môi giới. Các bạn được vẽ cho nhiều điều tốt đẹp – để bạn sẵn sàng bỏ ra 3000 -5000$ để có một tấm visa du học. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sang đến trường, bạn sẽ được đảm bảo cuộc sống học hành nhẹ nhàng, công việc thuận lợi và kinh tế dư dả. Cuộc sống ở nơi mới, là do chính bạn tạo dựng.

Và, có một điều thú vị của người Việt là tinh thần đố kị cao ngút trời. Chúng ta sẵn sàng làm điều bất lợi cho đồng hương của mình chỉ bởi đố kị. Có những người soi mói, kèn cựa các bạn sinh viên có học bổng mà vẫn đi làm thêm – cạnh tranh công việc với họ. Mà họ đâu có nhìn thấy, mức học bổng của họ thực ra không phải ai cũng nhận được nhiều, họ cũng không biết rằng với sinh viên nhận được học bổng của giáo sư thì ngoài việc đi học thì ngày ngày phải đến phòng thí nghiệm, phòng thực hành của giáo sư để nghiên cứu, làm việc. Khi người ta vùi đầu trong sách vở, thí nghiệm đến đêm, thậm chí là trắng đêm, thì lấy ai cảm thông.

Nhưng, cũng như cái cách nhiều sinh viên nhìn vào những người đi lao động.

Quả thật, nếu không tiếp xúc, tôi cũng không biết được, hóa ra, người Việt ở nước ngoài vất vả đến vậy. Nếu không phải được chứng kiến cuộc sống, công việc của họ thì tôi cũng không biết mình cũng giỏi chụp mũ người khác đến thế nào.

Tôi bắt đầu việc làm thêm ở đây là phiên dịch – dịch giao công. Khi có lao động mới sang bên này thì công ty môi giới có trách nhiệm tìm một phiên dịch để dịch cho lao động những vấn đề cơ bản ở nơi làm việc. Lúc đấy tôi mới biết, một lao động muốn được nhận cần chi 4000 – 8000$ cho công ty môi giới ở Việt Nam. Đến khi đi làm, họ phải chi trả thêm khoảng 2000$ (trong 3 năm) cho công ty môi giới ở Đài Loan. Công việc vất vả, môi trường, ngôn ngữ, văn hóa khác biệt. Áp lực kiếm tiền trả nợ – số tiền vay mượn để đi xuất khẩu lao động. Áp lực từ ngay những cuộc điện thoại từ gia đình, sẽ luôn là nói ổn dù không ổn, sẽ luôn là “gửi tiền về”. Nhiều khi tôi tự hỏi, những người ở nhà nhận được tiền, họ có biết trân trọng những đồng tiền ấy không.

Tôi bị ám ảnh những lần cùng lao động đến viện dưỡng lão để giao công. Mỗi hộ lý phụ trách kéo vài chiếc xe lăn, đẩy những ông lão bà cụ từ nơi này đến nơi khác. Họ chăm sóc cho họ từ miếng ăn, ngụm nước đến vệ sinh cá nhân và giấc ngủ. Ngày ngày đối diện với những khuôn mặt nhăn nheo, những cơ thể không còn tự chủ được. Nhiều khi nghĩ, ngày ngày như vậy thì bao nhiêu lạc quan cho đủ. Nhưng, ít ra – nơi đó còn có đồng hương, đồng nghiệp, có người để lúc nghỉ ngơi còn nói dăm ba câu chuyện. Có những người, làm giúp việc gia đình. Quả thật mới bị cô lập.

Có lần, tôi đi cùng dịch cho bên môi giới, họ đến mục đích chủ yếu là để nhắc nhở lao động, rằng chủ nhà phàn nàn họ không làm được việc. Đó là một người phụ nữ có làn da rám nắng, thân hình cục mịch, nhìn chị, tôi chỉ nghĩ đến cục đất. An phận và cam chịu. Chị đến đó được sáu tháng nhưng hầu như vẫn chưa nghe hiểu được tiếng Trung, cái bàn, cái ghế, ti vi như là những từ ngữ xa lạ với chị. Chưa biết đi mua đồ. Làm gì, chủ cũng thấy không vừa ý.

Hôm ấy, chị thấy tôi. Nghe tôi nói tiếng Việt, chị mới nói rằng chủ nhà thế này, công việc thế nọ. Mắt ngân ngấn nước.

Lúc ấy, bằng tất cả lý trí của mình. Tôi nói: “Dừng, em chỉ truyền đạt lại ý của chủ nhà và môi giới thôi. Họ không có thời gian nghe chị giải thích hay trình bày. Họ chỉ nói rằng, chị cần phải nói được tiếng Trung tốt hơn, và làm việc tốt hơn trong thời gian tới. Nếu không, chủ nhà không kí hợp đồng với chị nữa.”

Lúc ấy, tôi nhận ra, mình – chỉ là một cái máy nói – không hơn, không kém. Thực sự tôi có cảm thông, tôi muốn chia sẻ, muốn động viên, muốn giúp đỡ. Nhưng tất cả những thứ ấy, dường như là ngoài tầm với. Chị nhìn tôi với ánh mắt thất vọng và vô lực.

Tôi nhớ, hôm ấy trời mưa. Cả chặng đường từ đó trở về, mưa giăng trắng trời. Cũng như tôi, càng lúc càng thấy mù mịt.

Hồi hè, tôi có về nhà. Trong chuyến bay, hai hàng ghế, sáu hành khách có một chị cô dâu Việt, ba lao động, một anh làm nghiên cứu sinh nhận học bổng của trường, và tôi. Chị cô dâu nói rằng, những đứa du học sinh có học hành gì đâu, suốt ngày đi làm – tranh việc với những người – cô dâu – như chị. Anh nghiên cứu sinh ngồi kế bên mới nói là không phải đâu, sinh viên ở trường anh học hành vất vả lắm. Chị kia có vẻ không tin. Hai người ngồi kế tôi thì háo hức kể chuyện đi làm công ty chủ quý, kí tiếp hợp đồng nên được về nhà thăm nhà mấy ngày. Ở phía sau, họ vẫn nói về du học sinh. Tôi, lúc đó không chịu được nữa mới hỏi, chị có biết học phí của sinh viên học ngôn ngữ là bao nhiêu không? Một vạn một tháng. Chị kia im bặt.

Thực ra, cô dâu Việt, có người này người kia. Người may người rủi. Kì học vừa rồi tôi học môn Lịch sử, ngày đầu tiên đi học, thầy giáo khi biết tôi là người Việt liền khoanh hai tay trước ngực lại và hỏi, hành động này là có ý gì. Tôi chưa hiểu ý, thầy lại hỏi tiếp có phải đó là một hành động biểu thị sự kính trọng không? Tôi nhớ hồi nhỏ cũng được dạy khoanh tay khi chào hỏi, thể hiện sự lễ phép, nên trả lời: Dạ, đúng. Thầy không nói gì nữa.

Đến buổi học cuối cùng, sau khi tôi báo cáo xong (tôi báo cáo về tình trạng người Việt ở Đài Loan), thầy mới nói rằng sự khác biệt văn hóa gây nhiều tổn thương đến cuộc sống của người Việt ở Đài Loan. Thầy mới kể câu chuyện về cái khoanh tay. Có cô dâu Việt, một lần mắc lỗi nên khoanh tay để xin lỗi mẹ chồng. Nhưng ở Đài Loan, đó lại là hành động của kẻ bề trên với bề dưới, mẹ chồng cho rằng con dâu có ý coi thường mình nên càng mắng chửi thậm tệ. Kết quả là, đêm ấy, cô con dâu treo cổ tự tử.

Cậu bạn cùng lớp, có bố làm cảnh sát, cậu nói từng tiếp xúc nhiều với những cô dâu. Họ hầu như, đều làm gái. Nhưng cuộc sống chật vật vô cùng. Họ đến một nơi xa lạ, không thân thích, không yêu thương, kết hôn, sinh con và rồi ly hôn. Họ không có cách nào khác để kiếm tiền và nuôi con nên cứ tự đẩy mình vào con đường không ngẩng đầu lên được.

“Họ cũng chẳng còn đường về Việt Nam. Rồi họ cũng sẽ bị làng xóm, có khi là gia đình và xã hội kì thị.”  Tôi đã nói như vậy. Và sự thật, cũng sẽ là như vậy. Chúng ta đâu có đủ cảm thông, đâu có đủ vị tha và sẻ chia để mà biết yêu và thương hay cho nhau cơ hội để sống.

Trước Tết, tôi trở lại trường sau hai tuần về nhà. Ở sân bay, đa phần là lao động. Lúc chờ lên máy bay, tôi lại nghe được cuộc trò chuyện của họ.

“Em sinh năm bao nhiêu?”

“89 ạ.”

“89 à, bây giờ mới đi lần đầu là dũng cảm đấy.”

“Sang đấy thì xác định là làm chó thôi.”  – Một chị nói chen vào.

Trong cuộc nói chuyện của họ, sau đó chị còn lặp lại câu nói đó vài lần. Quả thật như lưỡi dao khắc vào tâm hồn vốn dĩ dư thừa nhạy cảm của tôi.

Ai sang đây. Cũng ôm một giấc mơ.

Giấc mơ Ngọc. Rồi thì cũng vụn vỡ.

Một năm qua, tôi thấy mình cực đoan hơn nhiều. Dễ dàng từ bỏ các mối quan hệ, khi thấy không còn đủ thời gian và tâm trí dành cho nhau. Có lần, tôi nhớ mình viết status cô đơn gì đó, có một cậu bạn quen nhau gần mười năm vào để “haha”, tôi đã không do dự mà hủy kết bạn.

“Đang cô đơn.” Vốn dĩ với những người như tôi không còn là lời than thở, mà là một câu trần thuật. Chẳng cần an ủi, chỉ cần lặng yên.

Có thể, sẽ có người sẽ nói với tôi rằng nếu cuộc sống như vậy, thì trở về đi.

“Chưa đến lúc.”

Tôi vẫn luôn cảm ơn những ngày tháng ở nơi này, những ngày tháng cho phép tôi đi xa và lại gần. Cho tôi cơ hội nhìn thấy nhiều thứ hơn, cảm nhận nhiều điều hơn. Những bài học mà nếu như tôi cứ mãi lựa chọn yên ổn sẽ chẳng bao giờ có được.

Những câu chuyện của năm sau, hay năm sau nữa có lẽ sẽ vẫn là buồn và vui. Tôi thì, có lẽ sẽ vẫn cô đơn, hoặc không.

Nhưng hôm nay, cứ sống ngày hôm nay đã.

Nhiên.

 

 

 

 

 

 

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...