Nước ngoài – du học, đi làm thêm bị bắt thì có sao không?
Nhiều bạn vẫn thường hỏi như vậy.
Với rất nhiều người, du học là ước mơ cao vời vợi. Du học là cơ hội đổi đời, thoát nghèo. Chỉ là, không phải ai cũng học đủ tốt, đủ năng động để tìm kiếm học bổng; họ cũng không đủ điều kiện kinh tế để du học tự túc. Bởi vậy, ước mơ – phải đi vay mượn.
Họ vay mượn thật sự để có những khoảng chứng minh tài chính với sổ tiết kiệm có nhiều con số, là công việc có thu nhập ổn định – đủ để chu cấp cho con cái đi du học của cha mẹ và cũng là tương đương với khoản tiền nhiều số kia.
Hành trình từ con số 0 đến tấm visa du học hệ ngôn ngữ là một con đường dài, nhưng hành trình từ bước chân đặt trên đất khách đến ngày trở về, nhiều khi tưởng chừng như chẳng thể ước định.
“Tôi viết về câu chuyện của ông nhé.” Tôi nhắn tin hỏi D.
“Ừ. Vô tư nhé.”
Xưng hô là vậy thôi, D sinh năm 1994, cậu ấy bay trước tôi vài ngày. Tức là ở thời điểm này, D ở Đài Loan gần 18 tháng và có cuộc sống họ Lưu khoảng 16 tháng. Với tôi, là 16 tháng. Với cậu, tôi thực sự không biết cuộc sống ấy có đếm tháng ngày hay không.
Tôi quen D trước khi đi học. Cậu đã tốt nghiệp đại học nhưng lại muốn đi du học theo hệ ngôn ngữ. Mọi chuyện khá suôn sẻ tính đến thời điểm chúng tôi gặp lại nhau trong một quán lẩu ở Đài Bắc. Khi chúng tôi ngồi rất lâu, cậu mới đến, hào hứng bước vào nói rằng vừa tan ca làm thêm. Ừ, mới sang một tháng mà đã đi làm, coi như cũng ổn.
Nhưng chỉ khoảng một tháng sau, tôi được biết cậu bị trục xuất – ngay lần đầu tiên bị bắt – trong đợt truy quét lao động trái phép của Cục Di dân và cảnh sát.
“Sang gần trăm triệu. Mới đi làm được 18 ngàn, khoảng 13 triệu. Còn chưa đủ tiền học phí.”
“Thế giờ tính sao?”
“Thì như lao động trốn ra ngoài thôi.”
Vậy nhỉ, ước mơ du học – chấm dứt vẻn vẹn chỉ trong hai tháng. Từ đó đến giờ, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau. Cậu hỏi tôi vài câu tiếng Trung, nói rằng thèm đi phượt, nhớ Hà Nội, kể về công việc là những ca làm đêm như tàn phá sức khỏe.
“Sao hồi đó không dành thời gian học tiếng, thi lấy tocfl 3 rồi đi học thạc sỹ.”
“Thì, hồi đó muốn đi nhanh thôi.”
Thỉnh thoảng tôi nghe “Nước ngoài” của Phan Mạnh Quỳnh, có lúc buồn mất cả ngày. Cậu nghe bản nhạc ấy, còn nhiều hơn tôi.
“Nghe nhiều nó vận vào thân.”
Có những câu chuyện, nhiều khi là đi đến đâu, hay đến đó. Ở nơi này, chuyện hợp pháp hay bất hợp pháp; nên hay không nên; đúng hay sai – đều là lựa chọn.
D giờ cũng không còn ở Đài Bắc. Cậu đã có một cuộc sống mới, có một nơi để về, có một người ở bên. Và có những điều, tôi thấy, D biết – là vào thời điểm khó khăn, vấp ngã, cần mạnh mẽ để đứng dậy – thì vẫn có ít nhất một người, ở bên cậu ấy.
Ở đây, ít nhất – tồn tại đã là món quà.
Và hi vọng, ở đâu đó – có ai đó – bán mộng, cho kẻ vỡ mộng.
Nhiên.