“Ước mơ của bạn là gì?” Tôi đã hỏi rất nhiều người xa lạ, cũng xem rất nhiều chương trình truyền hình, họ nói về ước mơ. Trong kí ức của mình, ấu thơ của tôi là đứa trẻ không có ước mơ. Tôi cũng như bao đứa trẻ khác, chỉ mong rằng mình đạt được kết quả học tập tốt nhất, cuối tuần luôn được tụ tập với bạn bè. Có khi là ôm cuốn truyện tranh mỗi chiều. Mộc mạc và giản đơn vậy thôi.
Thời của chúng tôi (thật sự là xã hội ở khoảng thời gian lứa 9x đời đầu và đời cuối có quá nhiều khác biệt) cuộc sống đơn giản hơn rất nhiều. Niềm vui, là tụ tập cùng nhau với những trò chơi xưa cũ, nhảy dây, chơi chuyền hay chỉ cần là đuổi bắt. Trò chơi của chúng tôi cũng là những vỏ bánh khảo nhiều màu sắc, 100đ một chiếc. Bánh ăn xong thì cầm vỏ bóng kính soi lên bầu trời. Những chiếc kẹo mút ngọt lịm, với cái que là hình cây búa, cây giáo, cây gươm. Chúng tôi không nói về ước mơ.
Chúng tôi lớn lên với những con đường – có thể là do gia đình định sẵn. Và với những “định đoạt” cũng gần như là có sẵn. Cái Bi bạn tôi, bố mẹ đều là giáo viên dạy môn Sinh. Ai cũng cho rằng, nó sẽ học môn Sinh tốt nhất. Thằng Chì, bố là hiệu trưởng, nên lúc nào nó cũng phải học nhiều hơn chúng tôi. Bố nó nghiêm khắc hơn tất thảy, chúng tôi luôn sợ sệt mỗi khi rủ nó đi chơi.
Tôi cũng chưa từng hỏi chúng bạn, tụi nó có ước mơ không? Có lẽ, bây giờ tôi cũng sẽ không hỏi. Thằng Chì đã là ba của hai đứa nhỏ, công việc ổn định, gia đình hạnh phúc. Cái Bi cũng sắp sinh đứa thứ hai, cũng sắp lấy bằng Tiến sỹ Hóa học. Còn tôi, sống cuộc sống của chính mình.
Tôi bắt đầu viết từ năm 21 tuổi, và kiên trì được thêm một năm sau đó. Rồi tôi không viết nữa, không phải bởi cạn kiệt ý tưởng mà cơ hồ, sợ hãi những điều mình viết ra không đạt được kỳ vọng của chính mình, và cả người ngoài. Tôi nhảy dựng lên mỗi khi ai đó gọi tôi là “nhà văn”, hay “tác giả”. Đè nặng kỳ vọng vào chính mình khiến người ta mất hết can đảm. Khi bắt đầu có được điều gì đó, người ta dễ dàng trở nên yếu đuối hơn, đong đếm hơn và e dè hơn.
Nhiệt huyết dần mất đi. Ước vọng cũng chẳng còn đong đầy nữa.
Có thời điểm tôi bỏ cây bút. Tôi không còn kể chuyện. Một năm. Hai năm. Thấm thoát mà bốn năm trôi qua. Tôi không nhớ mình viết lại ở thời điểm nào. Chỉ là, khi cảm xúc đong đầy. Khi chẳng còn gì trong tay ngoài cây bút, tôi lại kể.
Khi lại là con số 0. Người ta lại chẳng còn e sợ điều gì.
Tôi viết, với bút danh mới. Với những câu chuyện của chính mình, của người thân, của bạn bè, của người xa lạ. Tôi làm một kẻ bàng quang, giữa cuộc đời. Kể những câu chuyện – không còn phán xét.
Tôi vẫn không thực sự biết, mình có ước mơ hay không. Tôi chỉ biết mình muốn điều gì và ngày từng ngày cần mẫn với điều ấy. Tôi là người kể chuyện. Mỗi ngày tôi ghi chép lại những câu chuyện, nhưng không phải lúc nào tôi cũng chia sẻ điều ấy.
“Trở thành một nhà văn?” Tôi tự hỏi, đó là ước mơ của mình. Có lẽ điều tôi mong muốn không chỉ có vậy. Đã từ lâu tôi không còn muốn viết nên những câu chuyện trong tưởng tượng, khoảng thời gian sống chậm khiến tôi muốn kể những câu chuyện giản đơn hơn, không tô vẽ, không màu mè.
“Làm một người kể chuyện.” Tôi từng nghĩ đó là mong muốn, là ước mơ của mình.
Cho đến ngày tôi rời ga Tân Phong sau buổi phiên dịch, sau một chiều mưa, sau ánh mắt bất lực của người phụ nữ giúp việc, tôi tự đặt nhiệm vụ mới cho mình.
Ngôn ngữ thôi là chưa đủ, điều tôi cần là kiến thức, là sự kiên trì hơn nữa.
Và tôi, gọi đó là ước mơ!
Ước mơ khiến người ta sầu cảm. Khiến người ta mong muốn. Khiến người ta trở nên tham lam.
Ước mơ, có cô đơn không? Có chứ. Kể cả khi bên cạnh có rất nhiều sự ủng hộ về tinh thần, có khi là cả vật chất nhưng có những việc chỉ chính mình mới có thể thực hiện được. Chỉ có người đi trên con đường của họ, mới hiểu bước chân họ đi là sỏi hay là hoa. Đứng giữa lựa chọn, sống cho chính mình hay sống vì người khác. Tôi đã lựa chọn tham lam: làm cả hai điều ấy.
Khi tôi nhận ra mình quá ấu trĩ để hiểu rằng sống cho chính mình và sống vì người khác chẳng hề đối lập với nhau. Không đứng về hai phía của lập trường. Vì cớ gì, tôi đặt mình vào vị trí, đối lập với cả thế giới?
Mọi chuyện vốn không phức tạp. Là chúng ta phức tạp hóa điều ấy lên.
Giờ, tôi vẫn sầu cảm. Vẫn ước mơ. Vẫn buồn, vẫn vui, vẫn mềm lòng trước những số phận cuộc đời. Vẫn mang trong mình mong muốn “làm một điều gì đó”.
Tôi không muốn chỉ là một kẻ, sống – thở – ăn – qua ngày, vô danh và tầm thường.
Tôi có tên, cái tên ba đặt rất đẹp.
Tôi có tên, cái tên tôi đặt cho mình, là ước nguyện trong tôi.
Và, nếu không có ước mơ. Cứ sống như tôi thời thơ trẻ.
Nếu ước mơ, sống như ngày tôi đang sống.
Nhiên.