Nhiên Viết Tản Văn Người phụ nữ không có quê hương

Người phụ nữ không có quê hương

Trong những ngày tôi đã đi qua, dường như mỗi ngày đều có vết tích để lại. Trong những người tôi đã gặp, có những người xa lạ khiến tôi thi thoảng lại nghĩ về. Có lẽ có mối quan tâm đặc biệt đến nữ giới nên tôi ghi nhớ sâu sắc hơn về những người phụ nữ quanh mình. Có người giỏi giang, có người vụng về, có người may mắn và cũng có người bất hạnh.

Trong con mắt của mình, tôi thấy người phụ nữ hạnh phúc nhất là người mà dù mọi người xung quanh nhìn vào thấy khốn khổ, đáng thương mà người phụ nữ ấy vẫn kiên cường, mạnh mẽ, cũng có lẽ do đứt mất dây thần kinh “cảm thấy khổ” để mà bơ đi để sống. Còn người mà sống trong đủ đầy – theo cách nhìn của người đời những lúc nào cũng thấy mình vật vã, khốn khổ – ấy là người bất hạnh nhất. Nhưng dẫu sao, tôi cũng không có quyền đánh giá đúng sai về họ.

Trong những chuyến đi của mình, tôi bắt gặp nhiều loại người: tử tế, lịch thiệp, bị lụy, khốn khó, may mắn… Có một lần, trên chuyến xe từ Hà Nội về Sơn La, tôi gặp một người phụ nữ – không nhớ dáng vẻ của bà ra sao, chỉ nhớ về cuộc đối thoại của bà và những người trên xe. Người phụ nữ dân tộc Mông đó vừa mãn hạn tù về vì một tội danh liên quan đến ma túy. Không có vẻ đau buồn hay hối cải, kể rằng bị bắt thì vào tù, mãn hạn thì ra tù, bên trại giam còn cho hai trăm ngàn để về nhà. Có người cô tình hỏi sau này có còn bán hay vận chuyển ma túy nữa không. Người phụ nữ đó không ngập ngừng nói: Có. Câu chuyện dừng lại khi người phụ nữ xuống xe ngang đường, qua cửa kính tôi ngoái lại nhìn, bà đang nhìn phương hướng, dò dẫm một lối về. Tôi không biết về sau này bà có tiếp tục phạm pháp hay không, chỉ là bà đã là một dấu vết trên con đường tôi đi.

Trong một chuyến xe khác, cũng hành trình từ Hà Nội về Sơn La. Với nhiều người, người ta lựa chọn những chuyến xe đêm, lên xe, gửi xong tiền vé để sớm dậy, tỉnh giấc và đã ở một thành phố khác. Tôi thì lại luôn thích những chuyến xe ngày, có khi là xe giường nằm, có khi là xe ghế ngồi vé rẻ. Đôi khi việc tiết kiệm thời gian với tôi là không cần thiết bởi với tôi, chặng đường ba trăm cây số ấy dù đi có bao nhiêu lần thì vẫn luôn là mới, chẳng ai biết được, trong hành trình ấy mình sẽ có được những gì.

Cô gái ngồi kế tôi có làn da trắng, mái tóc ngắn hoe vàng, đôi mắt một mí và dáng vẻ non trẻ. Thi thoảng, cô ấy lật đi lật lại mẩu giấy viết tay ghi địa chỉ và số điện thoại bằng tiếng Trung. Khi tôi hỏi có thể cho tôi xem được không, cô gái rụt rè, do dự rồi cũng đưa, tôi nhìn dòng chữ viết tay ấy một hồi, cũng lật đi lật lại rồi gửi trả cô gái. Cô nhận về, nhanh chóng thả chúng vào túi bóng nylon nhỏ màu trắng, buộc thắt nút lại rồi cất đi như một báu vật.

Tôi đeo tai nghe, mở nhỏ nhạc trong lúc chờ xe xuất bến và vẫn không ngừng quan sát. Trong chuyến xe họ nói về cô, cô gái ấy cũng tự nói về mình. Hai mươi hai – là tuổi của cô gái. Năm – là tuổi của con gái cô ấy. Bảy – là số năm cô chưa từng về nhà. Bị trục xuất – là lý do khiến cô trở về Việt Nam.

Bảy năm trước cô lấy chồng, đúng hơn là được bán đi. Cô là con gái trong một gia đình dân tộc Thái, nhà ở Lai Châu, có lẽ giáp với Quỳnh Nhai thuộc Sơn La. Khi lấy chồng cô không có chứng minh thư, cô không nói làm thế nào mà cô có thể đến được nhà chồng, chỉ biết rằng đến đó, sinh sống với họ và rồi như trở thành người nơi đó. Cô không hề mong muốn lần trở về này, cô bị cảnh sát ở bên bắt được và không có giấy tờ tùy thân, họ yêu cầu cô trở về Việt Nam. Chồng cô dặn dò cô về tìm lại bố mẹ, làm chứng minh thư, làm hộ chiếu rồi quay lại Trung Quốc để đăng ký kết hôn. Mẩu giấy như báu vật của cô ấy là địa chỉ của người chồng.

Trong lời kể của cô, những câu chuyện đứt đoạn và cần chắp nối liên tục. Cô gái đã quên tiếng mẹ đẻ là tiếng Thái, quên ngôn ngữ dùng khi đến trường là tiếng Việt, và nói tiếng Trung một cách vụng về, mà chẳng biết thuộc về loại phương ngữ nào. Cô nói ở bên này gia đình cô rất nghèo khổ, ở bên kia cũng khổ nhưng vẫn hơn. Cô sẽ ở lại bên đó hẳn vì cô có chồng, có con gái và con gái cô rất đáng yêu.

Trong những câu chuyện của họ, thi thoảng tôi xen vào dăm ba câu. Hỏi cô xem có gia đình đến đón không, cô nói: Không. Đã lâu rồi cô không còn liên lạc với gia đình, nhà cô thuộc diện di dân và có lẽ hiện giờ không còn ở lại nơi cũ. Vậy thì tìm đường về nhà thế nào, tôi hỏi. Có một bà dì, em sẽ tìm được, cô gái nói chắc nịch.

Tôi lại yên lặng, đeo tai nghe, mở nhạc nhỏ và tiếp tục lắng nghe những mẩu chuyện. Ngồi gần chúng tôi có mấy người cũng tốt bụng. Nhà xe giúp cô chỗ ở ban tối, liên lạc giùm xe sáng hôm sau và để lại số điện thoại để khi cần giúp đỡ…

Và rồi, đó lại là một người lướt qua đời tôi. Một người kiếm tìm nơi để về ở phương xa. Một người ban đâu coi nơi xa xôi đó là phương xa, sau cùng quê hương lại trở thành nơi phương xa mà không còn muốn trở lại. Ở đâu đó ngoài kìa có nhiều người như vậy.

Mất đi tiếng nói, mất đi ngôn ngữ và không còn nơi để trở về.

Nhiên.

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...