Cùng với sự phát triển chóng mặt, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của xã hội và internet khiến chúng ta dành sự quan tâm của mình ở nhiều phương diện và góc độ hơn. Cùng với sự tiến bộ trong công nghệ in ấn đã thúc đẩy ngành xuất bản ngày càng phát triển, đồng thời sự cạnh tranh cũng gia tăng. Trong ngành xuất bản sôi nổi ấy, có những người trầm mặc phía sau những cuốn sách: người biên tập sách.
Nhiều người nghĩ rằng, công việc biên tập sách chỉ có đọc và sửa các lỗi chính tả, ngữ pháp nhưng thường thì công việc của một người biên tập không chỉ có vậy. Ngoài việc chỉnh sửa bản thảo thì người biên tập còn cần làm việc với họa sỹ, thiết kế, in ấn, đơn vị kinh doanh, đơn vị cấp giấy phép (nếu cần) và tìm kiếm, đọc và thẩm định các bản thảo mới. Người biên tập cũng là người phải đọc và hiểu cuốn sách mà mình biên tập để không chỉ có thể viết lời dẫn, giới thiệu về cuốn sách mà còn có thể thuận lợi hơn trong quá trình làm việc với họa sỹ và thiết kế.
Một cuốn sách tuy là nhỏ bé, nhưng để đến được với độc giả thì đó lại là cả một quá trình, là công sức không chỉ của tác giả mà cả một đội ngũ ở phía sau.
Con đường từ những trang bản thảo đến một cuốn sách
(Tạm không nhắc đến việc giấy phép xuất bản)
Có em nhỏ từng hỏi mình rằng, làm thế nào để có thể trở thành một người biên tập sách. Mình cười. Nghề biên tập sách là nghề lương thấp, việc nhiều. Đa số những người theo nghề là vì thương sách, yêu viết.
Để trở thành người biên tập sách, nói khó thì cũng khó, mà nói dễ thì cũng dễ; cần một vài kỹ năng cơ bản: đọc – hiểu tốt, có khả năng tổng hợp thông tin, viết lách tốt, có con mắt thẩm mỹ……
Người làm biên tập sách phải thích đọc sách, đọc nhiều sách và có thói quen viết lách. Và đặc biệt nhất, phải biết “soi mói”. Chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau rằng, ưu điểm lớn nhất của việc làm biên tập sách đó là, rất dễ nhìn ra lỗi sai của người khác. Có lần, trong lúc lướt FB, tôi có thấy một tấm hình về việc tuyển biên tập, trong tấm hình là một đoạn văn bản chưa đến mười dòng. Việc của người ứng tuyển là xem tấm hình trong năm phút và chỉ ra các lỗi sai trong đoạn văn bản đó. Tôi cùng đồng nghiệp túm tụm vào xem, cả đoạn văn bản đó có 12 lỗi sai.
Các đơn vị phát hành, nhà xuất bản khi tuyển dụng biên tập viên thường đưa ra yêu cầu về kĩ năng, thay vì bạn tốt nghiệp từ trường đại học nào, học ngành gì. Đương nhiên, sẽ lợi thế hơn nếu bạn học trong ngành Báo chí, hay Ngữ văn hoặc những ngành nghề liên quan đến xuất bản.
Với cá nhân mình mà nói, làm biên tập là công việc giao tiếp với con chữ. Tiếp xúc với con chữ thì cảm thấy an toàn và thư thả. Ít nhất là, có thể tạm gác lại chút nào đó muộn phiền ngoài kia. Làm một kẻ trầm mặc.
Nhiên.