Nhiên Viết Truyện Ngắn Hoa ban nở muộn

Hoa ban nở muộn

Nhà tôi bên vạt đồi nhỏ. Ngôi nhà sàn ba gian nằm yên bình giữa khoảng trời rộng lớn. Mái nhà gianh qua bao mùa mưa nắng xám lại theo thời gian. Những bậc cầu thang gỗ in hằn bước chân thuở thơ ấu. Ngày nhỏ, tôi vẫn chạy xuống, rầm rầm những bậc thang mỗi khi chị đi lên nương về.Chị mỉm cười, dúi vào tay tôi giỏ mây nhỏ, khoái chí mở ra, những quả dâu tím mọng. Đưa quả dâu lên miệng, chóp chép nhai, đôi mắt cười lém lỉnh.

 “Làm gì mà như nhặt được vàng vậy?” Chị nhìn tôi, cười.

“Vàng là gì, em chẳng biết, chỉ thích ăn dâu chị hái thôi.”

Chị xoa xoa đầu tôi, cười hiền dịu.

Chị lớn hơn tôi năm tuổi, là năm mùa đốt nương, là bao lần trăng lên trăng lặn, là chị sớm lo toan cuộc sống gia đình, chị  chưa già dặn nhưng đủ trưởng thành để nuông chiều, chăm sóc tôi. Chị bước lên nhà, bắp chân tròn lẳn, trắng ngần, mái tóc dài thướt tha. Treo chiếc bao cũ, lên cột nhà, chị lấy ra mớ rau rừng mới hái, đem rửa. Chắt nước ngâm gạo vào cái chai nhỏ, rửa lại một lần những hạt gạo nếp căng mẩy, chị bắc bếp đồ xôi. Bếp lửa bập bùng cháy, chị cời những mẩu than, đặt lên vài con cá rô to bằng hai ngón tay mà bố ướp từ trưa lên than hồng. Mùi cá nướng, mùi gạo mới thoang thoảng, tôi chạy vào bếp.

“Đói chưa ?”

Tôi chỉ cười toe toét lắc đầu. Chị không nói gì, khéo léo đổ xôi ra mâm, quạt cho bớt nóng, nắm một nắm nhỏ, đặt thêm con cá vào giữa rồi đưa cho tôi. Tôi chạy ra ngoài sàn, rửa bàn tay lấm lem, quệt vội vào áo, đón lấy nắm xôi từ chị.

Cất đĩa cá thơm phức vào chạn, vùi ép khảu nóng ấm vào chăn bông, chị lấy bộ đồ và chai nước gạo vừa chắt cho vào túi, đeo lên vai, một tay không quên dắt tôi đi từng bước xuống cầu thang. Con đường từ nhà đến bờ suối thoai thoải dốc. Sau khi tìm cho tôi một tảng đá khô ráo, chị cởi dần những chiếc cúc bướm, để lộ ra làn da trắng mịn.Chiếc váy kéo lên quá ngực, chị bỏ hẳn chiếc áo cóm rồi đi dần xuống nước.

Làn nước trong mát in hình người thiếu nữ xinh đẹp với mái tóc dài trôi theo dòng suối, chiếc váy đen càng làm bờ vai thon, làn da của chị thêm nổi bật. Tôi thấy chị đẹp. Ở bản này, ai cũng bảo chị đẹp. Đẹp thuần khiết và sáng trong như hoa ban tươi thắm mỗi khi xuân về. Lần nào xuống bờ suối tắm chị đều dắt tôi theo. Tôi ngồi trên mỏm đá, giữ quần áo giúp chị, ngồi nhâm nhi những thứ trái rừng chị mang về, nhiều khi, chỉ là ngồi ngắm chị. Chị không như người khác, dù làm nương có vất vả, có nắng nóng thì bàn tay chị vẫn mềm mại, mái tóc chị vẫn đen mượt, làn da chị vẫn như trứng gà bóc. Chị đi về phía bờ.

“Mai ơi! Chị vẫy tay gọi tôi. Leo xuống mỏm đá, tôi cầm chai nước gạo đưa cho chị rồi ngồi luôn đó, nhìn chị gội đầu. Mái tóc chị đen óng.”

“Bao giờ tóc em mới có tóc dài như tóc chị nhỉ?”

“Lớn lên là sẽ dài ra thôi.”

Chị xuống nước thêm lần nữa, ve vuốt làn da, mái tóc, gột rửa những mồ hôi vất vả của một ngày làm nương. Mặt trời dần xuống núi. Bàn tay chị vẫn nắm lấy bàn tay tôi bước lên con dốc thoai thoải. Nếp nhà sàn hiện ra từ xa.

****

Bữa tối ấm cúng quây quần giữa gian nhà. Giữa chiếc mâm mây con con, có đĩa cá nướng, rau nộm, bát chéo và cơm nếp thơm. Bố mẹ và chị nói chuyện thời tiết, gieo trồng, thỉnh thoảng có hỏi việc học hành của tôi. Sau bữa cơm, bố ngồi nhâm nhi tách chè đắng, mẹ và chị ngồi thêu khăn piêu sặc sỡ sắc màu. Tôi thì ngồi một góc làm bài tập. Trăng lên cao, trời dần tối. Tắt những bóng đèn vàng lờ mờ, tôi chui vào chăn ôm chị ngủ. Bố mẹ đều đã ngủ, chị xoa lưng tôi rồi khe khẽ hát ru.

Khi chị ngắt lời hát, dưới sàn nhà, có tiếng…. cộc cộc… cộc…. cộc…. cộc…..

Chị bảo, mỗi lần như vậy là chị biết anh đến, khi tôi đã ngủ hẳn, chị mới ra ngoài với anh.  Khi ấy, trăng đã lên cao, anh ngồi bên chị, cầm chiếc đèn con con soi cho chị thêu tiếp chiếc khăn đang thêu dở. Anh chị ngồi bên nhau nói những câu chuyện vui buồn, đến khi chim rừng ngừng kêu, họ chia tay, chị về bên tôi, vỗ về giấc mơ nhỏ. Câu chuyện chị kể ngày nào cũng thế, nhưng niềm vui trong đôi mắt chị mỗi ngày như đong đầy thêm.

Anh và chị bên nhau đã bao lần trăng tròn, như đôi chim cu ríu ra rít rít. Bản trên bản dưới đều biết. Những hôm lên đồi chị đưa tôi đi theo, anh cõng tôi trên vai, chị kể những câu chuyện thuở bé lên đồi với bố mẹ. Cây mak chai sai những quả chín vàng, phía dưới có những cây cườm mẩy hạt. Tuốt lấy những hạt cườm để vào cái túi con con bên mình, chị chỉ cười thẹn thùng. Mó nước nhỏ dọc đường về mát trong, chị bước xuống rửa bắp chân tròn lẳn, trắng ngần. Ánh mắt anh nhìn chị si mê, tha thiết.

“Anh Lập thương chị em không?” Tôi hỏi anh như vậy.

Anh chỉ ngượng ngùng gãi tai. Chị té vài hạt nước về phía tôi.

Chị kể, tối ấy, khi trăng lên cao, chị ngồi bên anh, không thêu khăn mà đính từng hạt cườm lại, thành một chiếc vòng, đeo vào tay anh.

****

Xuân về. Tôi xúng xính trong bộ quần áo mới may, chạy theo lũ trẻ trong bản. Ở bãi đất rộng giữa bản, mọi người tụ tập múa sạp, ném những quả còn sặc sỡ sắc màu, xoay xoay trong gió. Anh dắt chị đi lên phía đồi, bọn trẻ con chúng tôi chạy theo. Bẻ một cành ban trắng muốt, anh đưa cho chị, thì thầm: “Hết tết, anh sang xin phép ở rể nhé.”

Chị chỉ cười, làn má ửng hồng duyên dáng. Bọn trẻ con chúng tôi nghe thấy, chạy ùa lên trêu anh chị. Gương mặt chị thẹn thùng, nhưng ánh mắt chị sáng lên niềm hạnh phúc.

Tối đến, tôi ôm lấy chị, cuộn tròn trong chăn. Chị vẫn hát ru tôi như mọi ngày. Chị dứt tiếng hát, dưới sàn vang tiếng…. cộc cộc…. cộc…. cộc… cộc… cộc….

Chị nghe tiếng, khẽ cựa mình. Một lúc sau mới bước ra khỏi nhà. Hơi ấm rời xa tôi. Đêm lạnh, tôi xoay người, chị vẫn chưa vào nhà. Dò dẫm bước xuống giường, tôi ra ngoài tìm chị.

“Êm ơi!” Tiếng tôi hét thất thanh giữa đêm khuya. Tên Mạnh giật mình. Hắn quay về phía tôi và ném cho tôi ánh mắt đầy thách thức. Chị nằm dưới hắn, chẳng một manh vải trên người. Cơ thể chị run lên từng hồi, mái tóc dài xõa bung, đôi mắt chị ầng ậc nước. Hắn thản nhiên đứng dậy, chòng quần áo vào người, nhẹ tênh bước xuống sàn. Bố mẹ nghe thấy tiếng hét của tôi liền chạy ra, chị vơ vội váy áo che lên mảnh thân đang run rẩy. Bóng tên Mạnh cứ khuất dần vào đêm. Bố tôi đuổi theo, chị ngăn lại. Đêm ấy là một đêm không yên bình với nhà tôi. Bố bực tức đi lại, rồi lại xòng xọc ống điếu. Chị khóc ròng, mẹ nhìn chị đau đáu xót xa.

Hôm sau, bố mẹ tên Mạnh cùng bố mẹ mang lễ đến nhà, hỏi cưới chị tôi.

***

Từ hôm ấy, chị cứ lầm lũi đi lại trong nhà, cả đi làm nương cũng lầm lũi như vậy, chẳng ai thấy nụ cười của chị. Chị cũng không còn hát ru tôi mỗi đêm, chỉ vuốt lưng kèm theo tiếng thở dài thườn thượt. Anh chỉ lặng lẽ dõi theo chị hàng ngày.

Rồi chị có bầu. Tên Mạnh từ đó dọn về nhà tôi ở rể. Sau hôm ấy, anh bỏ bản ra đi. Chị ôm tôi khóc uớt đẫm vai áo.

Ngày ngày, tên Mạnh lên nương, hắn làm việc chăm chỉ, có lúc hắn cười với tôi, nhưng tôi không thích hắn. Từ khi mang bầu, chị không lên nương mà chỉ ở nhà chăm những nong tằm. Gọi là đỡ vất vả hơn nhưng vẫn bận rộn. Có đêm, đang ngủ thì chị bật dậy, dò dẫm ra bỏ thêm lá dâu vào những nong tằm. Mẹ lo cho chị, nhưng chị cứ lầm lũi, chẳng nghe ai. Khi kén tằm là những đường tơ óng ả cuốn vòng, tôi ngồi bên chị, thỉnh thoảng thò tay vào nồi nước nóng đập đập mấy kén tơ. Chị chỉ nhìn tôi, như muốn cười. Cứ se hết một cái kén, chị thở dài, vớt cho tôi con nhộng bên trong. Tôi chấm nhẹ ít muối, ăn ngon lành. Chị lại nhìn tôi, muốn cười.

“Những con nhộng này, chẳng bao giờ có thể bay đi được.”

****

Chị sinh vào một ngày cuối năm rét mướt. Thằng bé giống hệt chị, nhất là đôi mắt biết khóc. Ai cũng khen thằng bé kháu khỉnh, ôm con trong lòng, nước mắt chị lại chực trào dâng. Chị ít khi để chồng đến gần thằng bé. Ngày qua ngày, thằng bé lớn dần, mỗi ngày mỗi khác. Xuân qua, ban nở trắng rừng. Chị ôm con, nhìn về đồi xa, mắt ngân ngấn nước. Mẹ Lập đến nhà mang cho chị chai mật ong rừng, chị hỏi chuyện anh Lập nhưng bà chỉ lắc đầu thở dài. Bà vuốt má thằng bé, nhìn chị xót xa. Bà về rồi, chị vẫn ngồi bên sàn, nhìn về xa, mắt ngân ngấn nước.
Mạnh đang bước từng bước nặng nhọc hướng về nhà, chị chạy vội vào bếp, cời lại bếp củi. Hắn bước rầm rầm lên sàn, không rửa chân tay, cũng không vào nhà luôn mà đi xuống bếp, vứt bẹt cái bao cũ xuống trước mặt chị, giọng bực bội:

“Mày nhặt đi, nộm cho ngon vào. Làm khổ ông trèo cây xước hết cả tay chân. Ban với chả bõ.”

Cu Nguyên giật mình bởi giọng nói ồm ồm, ré lên khóc.

“Khóc cái gì mà khóc. Con cái gì mà thấy bố là khóc? Không biết mày có phải con tao không hay là con thằng khác!” Tên Mạnh càng bực, hắn quát ầm lên, rồi bỏ lên nhà. Chị ôm con vào lòng, nựng  nựng con, cởi từng cúc áo. Cu Nguyên ngậm đầu vú mẹ nút chùn chụt rồi ngưng khóc. Địu con ra phía sau lưng, chị gom nhặt những bông hoa rơi vãi ra ngoài mà chẳng kịp lau nước mắt chị đang rơi.

**

Thấm thoắt, tròn hai năm Mạnh về ở rể. Hôm ấy, nhà tôi đông người, tiếng cười, tiếng nói và cả tiếng hát. Nếp nhà ba gian chật ních họ hàng, khách khứa. Bố mẹ tôi gả chị về nhà chồng.

“Chị Hảo may thật, cưới được con dâu vừa xinh vừa hiền.”

“Trước thì cứ nghĩ là tốt, nhưng nó có yêu thương thằng Mạnh đâu, hôm qua nó còn sang nhà thằng Lập đấy, mà chắc gì thằng Nguyên đã là cháu của tôi. Lúc nào mẹ nó cũng lầm lì lầm lụi, không cho ai gần con mình.”

Mẹ chồng rủ rỉ vào tai bà dì Mạnh. Chị đi qua, khuôn mặt có chút biến sắc. Rồi chị vờ như không nghe thấy. Khách đã về cả. Đêm ấy, tôi không còn ngủ với chị mà ngủ với thằng cu Nguyên con chị, tôi xoa lưng cho nó như chị vẫn xoa lưng cho tôi. Hai dì cháu ngủ lúc nào không biết.

“Mày thấy chưa? Cuối cùng thì mày cũng trở thành vợ tao thôi.” Tôi loáng thoáng nghe thấy giọng lè nhè của hắn – tên Mạnh. Chị im lặng không nói gì.

“Mày là vợ tao, sao mày không nói chuyện với tao? Mày vẫn thương nhớ cái thằng bỏ bản ra đi ấy hả? Cái thằng hèn.”

“Mày nghĩ tao để yên cho mày cả ngày nghĩ  đến nó vậy hả?”

Tiếng da đập vào da. Hắn gằn giọng. Tiếng chửi bới không còn, chỉ còn lại tiếng ư ử đớn đau. Bỗng dưng,  hắn rống lên một tiếng đau đớn. Giật mình, cu Nguyên khóc òa, bố mẹ tôi cũng lục tục dậy. Vẫn là chị với dáng mong manh, run rẩy lập bập gom áo váy che lên tấm thân mỏng, nhưng trên tay chị cầm con dao chống ma rỏ tong tong máu. Còn hắn, hắn  nằm trên giường, tim chẳng còn đập dù người ấm nóng.

“Sao ơi! Con làm gì vậy?” Mẹ gào lên hỏi chị trong nước mắt. Chị cười rũ. Ánh mắt chị khi ấy, khó tả. Chút thảng thốt, sợ hãi nhưng cũng bình yên lạnh lùng.

 “Con sẽ đi đầu thú.”

Chưa khi nào, nhà  lại mang dáng vẻ tang thương đến thế. Bố lặng im thở dài, mẹ dường như đã khóc cạn nước mắt. Gia đình tên Mạnh đến chửi rủa, đập phá. Công an đến, chị lầm lũi đi theo. Tôi ngơ ngác nhìn chị đưa đôi bàn tay thon nhỏ vào chiếc còng sắt. Cu Nguyên lẫm chẫm chạy theo chị, khóc thảm thiết: “Êm! Êm ơi!”

Chị quay lưng lại, nước mắt tuôn như mưa. Chị bước đi, bắp chân tròn lẳn trắng ngời, mái tóc dài thướt tha. Ai dám tin, đêm qua, chị đã giết người. Khi ấy, chị mười tám tuổi.

Tòa tuyên án mười năm tù, chị cúi đầu nhận tội.

Bố nói từ chị,  nhưng mỗi khi mẹ vào thăm chị, bố ngồi trên sàn, nhìn theo bước chân mẹ đi, vẫn gửi cho chị gói xôi, con cá bố nấu. Bố vẫn thương  chị lắm. Bố thương cả cu Nguyên.

****

Tôi vào đại học. Cu Nguyên cũng vào lớp một. Một chiều thứ sáu về nhà, tôi đến đón Nguyên.

“A! Dì Mai ! Dì về rồi!” Thằng bé ríu rít, reo vui chạy về phía vòng tay tôi dang rộng.

“Á! Cháu xin lỗi ạ.” Nguyên vấp phải một người đàn ông, ngã xuống đất. Người đàn ông đỡ thằng bé dậy. Khi tôi chạy đến bên…

“Là anh sao? Anh Lập? Em là Mai, em chị Sao đây!” Tôi vui mừng reo lên, rồi nhớ ra, mặt tôi xụ xuống. Anh nhìn tôi, khẽ cười.

“Thằng bé này là?”

“Vâng, con chị Sao anh ạ, tên là Nguyên. Nguyên chào bác Lập đi.”

“Cháu chào bác ạ.”

“Ừ, chân cháu có sao không?”

“Dạ, cháu không sao ạ.” Nguyên lễ phép trả lời.

“Sao dạo này vẫn khỏe chứ em?”

“Chị em, thôi để nói sau đi anh. Bao lâu nay, anh đi đâu thế?”

“Ừ, anh đi khắp nơi, buôn bán nhiều thứ, giờ cũng có chút vốn mở cửa hàng tạp hóa ở huyện.”

“Vậy là được rồi. Mà trông anh không khác nhiều già đi chút xíu.”

“Ừ, không lớn nhanh như em.” Anh cười xòa.

“Thôi, em đưa cu Nguyên về đã, rảnh anh qua nhà em chơi nhé.” Tôi và Nguyên đưa tay vẫy vẫy anh. Anh cũng đưa tay lên chào.

****

Trăng lên cao, anh ngồi bên bố tôi, nâng chén rượu đầy:

“Bác chấp nhận con làm con rể bác được không?”

“Con hỏi cái Mai, bác muốn con gái bác tự quyết.”

“Ý con là Sao, con muốn cưới Sao làm vợ.”

“Con điên rồi sao? Nó đã có con, giờ còn ở trong tù.”

“Nhưng con yêu Sao thật lòng.” Giọng anh trở nên chắc nịch.

Bố tôi chỉ thở dài, nhưng ông lại thấy nhẹ nhõm. Phải rồi, có ai yêu chị thật lòng như anh đâu. “Cứ để cái Sao nó quyết định đi.”

Từ ấy, anh đi cùng mẹ, có khi là cùng tôi, đôi khi là mình anh đến thăm chị. Chị ngỡ ngàng, tránh gặp anh, anh đành bỏ ra ngoài. Lần sau, anh cũng đến cùng nhưng chỉ nhờ tôi đưa cho chị bông hoa ban mới hái dọc đường đi, rồi từ xa nhìn chị. Cầm bông hoa trên tay, ánh mắt chị long lanh, nhưng buồn lại nhanh chóng, ngắt một cánh hoa đưa lên miệng nếm, chị nở một nụ cười mặn chát.

****

Tay chị run run đón nhận bông hoa ban thứ ba từ tay tôi, mắt chị rưng rưng:

“Hôm nay anh ấy có đến không?”

Tôi lặng lẽ gật đầu, ngoảnh lại phía sau. Có lẽ, chị nhận ra được dáng người quen thuộc. Người quản trại tốt bụng gật đầu ra hiệu anh có thể vào. Tay nắm bàn tay, chị miên man nhìn chiếc vòng hạt cườm anh đeo, nước mắt chị rơi, anh lặng lẽ lau đi. “Anh và Nguyên sẽ trồng một cây ban chờ em về.”

Hai năm qua đi, anh đỡ đần bố mẹ tôi việc nhà, chăm sóc cu Nguyên việc học, nhiều khi, tôi thấy anh giống anh trai hơn là anh rể. Cây ban trước nhà đã cao quá đầu, chớm nở những bông đầu tiên. Hôm nay, anh huýt sáo, cười nói suốt buổi. Chị tôi, do cải tạo tốt, được giảm mức tù. Ngày mai, chị tôi trở về.

Nhà tôi bên vạt đồi nhỏ. Ngôi nhà sàn ba gian nằm yên bình giữa khoảng trời rộng lớn. Mái nhà gianh qua bao mùa mưa nắng xám lại theo thời gian. Những bậc cầu thang gỗ in hằn bước chân thuở ấu thơ. Bao lâu rồi chị không được nhìn thấy nếp nhà ấy, bao lâu rồi, trong giấc mơ chị, thổn thức hai tiếng “Êm ơi”. Hôm nay, chị trở về nhà.

Mặt trời xuống sau nếp nhà, hai bóng người già, hai bóng người trẻ, một thằng cu con với nụ cười rạng ngời chờ đón chị. Anh ngắt một bông ban rồi nói thầm vào tai Nguyên. Thằng bé chạy đến bên mẹ, chị cúi xuống ôm con vào lòng. Nguyên cài lên tóc chị bông ban trắng ngần. Chị khóc, nước mắt lóng lánh niềm vui.

Nhiên.

Previous articleĐáng giá bao nhiêu?
Next articleNếu như

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...