Chị ơi, chị đang học trường X ạ, học ở trường chị có khó không? Em thấy bảo trường chị tốt? Em muốn học trường tốt nhưng sợ khó. Chị bảo em nên học ngành gì?
Tôi từng là đứa trẻ may mắn khi được tự do chọn trường khi thi đại học. Nhưng tự chọn đồng nghĩa với việc con đường sau này, tốt hay không cũng phải chấp nhận và tự chịu trách nhiệm. Tôi chọn điều mình thích, không suy tính sau này sẽ làm nghề gì. Vì, lúc đó, còn không chắc mình có đỗ được đại học hay không. Tôi vẫn nhớ một cô giáo tôi rất kính trọng, đã nói với chúng tôi rằng cô phải thi đại học đến hai lần, nhưng ở thời điểm cô dạy chúng tôi, không ai dám chê trách chuyên môn của cô cả. Và lúc đó tôi cũng nghĩ, nếu trượt, tính sau.
Nhiều bạn trẻ chọn trường đại học theo: sắp xếp của bố mẹ, thấy bạn bè học nên mình cũng học, có khả năng đỗ nên chọn và một số sẽ chọn theo sở thích của mình.
Nhưng có một số điều, vào đại học rồi tôi mới biết.
Đại học vẫn là một trường CẤP BỐN: Cấp ba, bạn học kém Lý, Hóa, Sinh… bạn chọn ban C để sau này ở đại học bạn không phải học nữa, điều đó đúng, nhưng những môn đó có thể được thay thế bằng: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Pháp luật đại cương, Tâm lí, Xác suất thống kê… Dù bạn học ở trường Đại học, cao đẳng hay học viện nào thì cũng sẽ có một vài môn khó nhằn.
Khác ở chỗ, bạn được 4.5 Lý, các môn khác có thể bù lại, điểm trung bình năm đủ để bạn lên lớp thì ở đại học lại khác, điểm F là điểm F, trượt là trượt, bạn chỉ thoát khỏi môn đó đến khi nào bạn đạt điểm D trở lên.
Vào đến đại học, học điều mình thích, có thật sự là không có áp lực? Rất nhiều là khác. Bạn phải lặp đi lặp lại nhiều lần cho một việc, để trở nên thuần thục. Có lúc, bạn sẽ hờn ghét thứ mà mình từng thích, nhất là khi bạn thấy mình hoàn toàn không có khả năng trong việc ấy. Bạn sẽ ghét phải lên các kế hoạch bán hàng, dự trù vốn, thu, chi… khi học về quản trị kinh doanh. Bạn thích học báo, có lúc bạn sẽ phiền vì việc viết lách hàng ngày. Rồi có những ngày, những người ưa màu sắc cũng thấy mệt mỏi khi cầm cọ vẽ…. nên là, hãy tưởng tượng xem, những năm tháng đại học thế nào nếu mình học thứ mà mình không muốn.
Nhưng, đại học – là một môi trường khác những năm tháng cấp Ba.
Không có những giờ chào cờ đầu tuần để các thầy cô sa sả cả giờ đồng hồ về những vi phạm của học sinh, không có sổ đầu bài để bạn biết rằng mình phạm lỗi – các thầy cô tự ghi vào trí nhớ của họ thôi.
Không có những giờ học thêm để bạn được bổ sung thêm kiến thức, muốn thêm – tự mình kiếm.
Có nhiều hoạt động hơn, thời gian cho việc học tập bị cắt xén. Và, cũng không ai đốc thúc bạn phải hoàn thành bài tập hàng ngày, phải đi học đầy đủ.
Có nhất thiết phải vào đại học không?
KHÔNG.
Khi bạn cảm thấy mình không thể thi đậu – vì học quá kém, thì cứ thi lấy bằng cấp Ba, và tìm một ngành nghề nào phù hợp, khi bạn dành thời gian và công sức và trở nên thành thục thì bất cứ nghề gì, bạn cũng sẽ có được thành tựu nhất định.
Khi bạn có gánh nặng kinh tế trên vai, đừng vào đại học bạn nếu coi đó là chiếc vé trên chuyến tàu của điểm đến: Đổi đời. Hàng năm vẫn có hàng chục ngàn cử nhân đại học thất nghiệp hoặc làm những việc không đúng với chuyên môn. Có bằng cử nhân không có nghĩa là bạn sẽ có được công việc. Công việc là công việc, chiếc bằng – chỉ là chiếc bằng.
Có nên vào đại học không?
Có, nếu bạn thích học. Nếu bạn cần học. Nếu bạn đã có định hướng rõ ràng cho tương lai.
Đại học cho ta rất nhiều cơ hội.
Thầy cô mới. Ở rất nhiều trường đại học ở Việt Nam có giáo viên có chuyên môn tốt, đã du học ở những nước có nền giáo dục phát triển và họ sẽ cho bạn cơ hội tiếp cận với cách tư duy mới.
Bạn bè mới. Bạn đại học là những người sẽ ở bên ta trong thời gian dài rất dài, không chỉ những năm đại học mà cả những năm sau nay. Nhất là với những bạn sinh viên xa nhà, khi sống chung phòng, chung khu trọ, kí túc xá với bạn đại học, người ta sẽ có những va chạm mà trước đó chưa từng có. Tính cách con người cũng được mài dũa theo. Và khi xa gia đình, thì lúc đấy người ở bên khi khó khăn lại là những người bạn.
Không gian mới. Ở trường đại học có nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm để bạn “hòa nhập cộng đồng” và khám phá những điều mà có khi ngay chính bản thân bạn cũng không biết.
Tôi bước vào cánh cửa đại học cách đây 10 năm. Vui chứ, giống như một pha ghi bàn phút 89 vậy. Đầu tiên chọn ngành để thi, tiếp đến là xác định khả năng của mình, rồi tiếp đến mới chọn trường. Lúc đó chúng tôi thi đại học đơn giản hơn nhiều, chỉ phải thi ba môn. Khi xác định được mục tiêu cụ thể và những việc cần làm, thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
Tôi cũng chưa từng hối hận vì học đại học, bởi ngay từ đầu tôi được tự lựa chọn.
Còn các bạn? Nhiều khi đối thoại với phụ huynh đã là cả một vấn đề lớn.
17, 18 tuổi – đương nhiên không thể định hướng chính xác được tương lai của mình, nhưng tương lai của một người cũng không phải chỉ ở một kì thi, ở một trường đại học. Nếu bạn và phụ huynh có mâu thuẫn trong việc chọn trường, đừng hờn dỗi oán thán, cũng đừng im lặng. Hãy thử chủ động tìm hiểu về ngành học phụ huynh chọn và ngành mình muốn học, tìm hiểu về các chương trình, môn học trong 4 – 5 năm đại học và thẳng thắn trao đổi. Để phụ huynh nhìn thấy bạn thật sự nghiêm túc với tương lai của mình. Tôi không chắc điều đó giúp bạn được làm theo điều mình muốn nhưng cứ nên thử tạo ra cơ hội.
Nền giáo dục của chúng ta có những lỗ hổng, không phải ở kiến thức mà ở cách người ta nhìn nhận vấn đề.
Còn với tôi thì, sau bằng đấy năm học hành – vẫn đang trong con đường học hành. Thì điều cần thiết để một người có thể tự lập, tự chủ cho cuộc sống của chính mình: Chuyên môn – Kĩ năng (ngoại ngữ + tin học văn phòng) – Thái độ làm việc nghiêm túc, cầu tiến.
Nhiên.
Leave feedback about this