<Đaghextan của tôi – Raxun Gamzatope>
Đây là một cuốn sách hiếm hoi thuộc về văn học Nga mà tôi đọc. Cuốn sách này vốn đặc biệt bởi đó là sách tiếng Việt được in và xuất bản tại NXB Cầu Vồng – Moskva năm 1984. Cuốn sách này đã 34 tuổi nhưng chất giấy vẫn bóng và chữ rõ đến từng nét. Đó là cuốn sách đẹp từ bìa cứng bọc lụa đến hình minh họa và cả nội dung.
Tôi tự gọi <Đaghextan của tôi> là một cuốn “tạp văn” bởi cuốn sách này gồm cả tản văn, thơ và những mẩu chuyện ngụ ngôn mà tác giả được nghe kể lại hoặc chính ông được trải nghiệm.
“Người miền cao thường nói: “Để biết giá trị của mỗi con người, cần phải hỏi bẩy điều sau đây:
- Hỏi tai họa.
- Hỏi niềm vui.
- Hỏi phụ nữ.
- Hỏi gươm.
- Hỏi của cải.
- Hỏi bình rượu.
- Hỏi chính con người đó.””
Sách là những triết lý từ cuộc sống giản đơn. Là tình yêu giữa người với người, giữa người với vật và giữa con người với quê hương. Raxun kể lại những câu chuyện cuộc đời mình, ấu thơ – niên thiếu – trưởng thành cùng Đaghextan với lời nhắc nhở của cha và mẹ, những người đã có cả cuộc đời để đúc kết kinh nghiệm cho đời sau.
“- Đừng đùa với lửa! – bố tôi đã nói.
– Đừng ném đá xuống nước, – mẹ tôi thường bảo.”
Đây là cuốn sách không phải ai đọc cũng ngấm, có lẽ bởi giọng văn khá tỉnh và mang đầy chất tôi của tác giả. Viết cuốn sách không với tinh thần xiểm nịnh người đọc – khiến người đọc thích cuốn sách mà đơn giản là truyền đạt lại những điều tác giả muốn. Không gian trong tác phẩm, từ vùng núi đá cao ở Đaghetxtan với những ngôi nhà ốp phân trâu bò với ống khói đến khung cảnh đường phố tấp nập nơi thủ đô nhưng dù là ở đâu, bề ngoài nơi đó ra sao nhưng bên trong ngôi nhà vẫn mang thói quen cũng như trái tim hướng về quê hương của người chủ nhà.
Đây vẫn là một cuốn sách giống nhiều cuốn sách khác tôi từng đọc – ngốn nhiều thời gian – không nên đọc liền mạch – có thể đọc lại rất nhiều lần.
Lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là khi học lớp 8 – lý do cầm cuốn sách là vì sách đẹp. Những năm đi học xa nhà cũng mang sách theo, như một niềm an ủi mỗi khi tâm trạng không được ổn định. Đến bây giờ vẫn đọc bởi nội dung tác giả mang đến là quá nhiều. Là cuộc sống tự do tự tại, là tấm lòng con người, là những điều mà xã hội chủ nghĩa (Liên Xô cũ) mang lại, là những dân tộc nhỏ với cái tôi và ý chí lớn lao.
Gấp cuốn sách lại, nhắm mắt và nghĩ đến hình ảnh chim ưng liệng cánh được nhắc đến nhiều. Đó là bầu trời, là tự do, là sải cánh nương mình theo gió.
Trích một bài thơ mình rất thích trong cuốn sách:
“Tình yêu tôi như cây tiêu huyền hai nhánh
Một ánh vừa khô thì một nhánh đâm chồi
Tình yêu tôi như chim đại bàng hai cánh
Một cánh sải dài khi một cánh khép hờ thôi!
Trong ngực tôi, hai vết thương nhức nhối
Một vết còn đau khi một vết liền da
Và cứ thế, suốt cuộc đời bất tận
Niềm vui với nỗi buồn, từng phút nối nhau qua!”
Nhiên.