Chuyện ông lão bán lê

– Không nhìn thấy biển cấm bán hàng ở đây à, sao vẫn còn bán ? Hay thật đấy, không đi mau, tôi gọi công an khu vực đến bây giờ. Tiếng người đàn ông quát ra từ chiếc xe “Trị pháp” át cả tiếng ô tô, tiếng ồn ào của xe cộ đi lại.

Bên đường, người đàn ông độ ngũ tuần, ánh mắt co rúm lại. Đôi bàn tay run rẩy, gương mặt lấm lét, gánh vội đôi thúng lê, cun cút lần theo ngõ nhỏ. Đi vài bước ông ngoái lại. Đèn vẫn đỏ, chiếc xe “Trị pháp” vẫn sừng sững an vị nơi ngã tư. Ông lại mải miết đi tiếp. Gương mặt ông, khắc lên sự khổ cực, đáng thương.

Dừng lại gốc liễu bên đường, ông quệt tay lau những giọt mồ hôi rơi vội, chiếc áo quân phục bạc màu, ố cũ từng giọt mồ hôi. Những nếm nhăn trên làn da nâu sạm đồi mồi thêm co lại. Ông ngồi bệt hẳn xuống đất, dường như mệt mỏi lắm rồi. Cầm quả lê nhỏ, vỏ lốm đốm trên tay, ông nấn ná một hồi rồi để lại thúng. Tay gạt mồ hôi. Cổ họng đánh ực.

Hai người đàn ông đi xe đạp đường dài lướt qua, nói với vào :

– Lần sau ông đừng bán ở ngã tư. Cái bọn ấy chúng vô lý lắm. Ông cứ bán ở đây cũng được, cũng không ít người qua lại.

Ông lão bán lê gật đầu cảm ơn.

Hai người đàn ông kia có lẽ cũng như tôi, chứng kiến cảnh ấy từ đầu. Câu chuyện giữa một người trị an và một kẻ dân quèn .

Đến lại gần tôi hỏi: – Lê bán thế nào bác?

  • Bốn tệ một cân, lê ngọt lắm.
  • Lê nhà bác trồng ạ?
  • Vâng, lê nhà tôi trồng. Cô ăn thử xem. Bác nhanh tay chọn cho tôi một quả, tôi cũng đoán là khá ngon.
  • Thôi không cần đâu bác ạ, bác chọn cho cháu hai cân, cháu chẳng biết chọn đâu. Tôi nói vậy để bác chọn giúp tôi. Không phải vì tôi không biết chọn, mà tôi muốn bắt chuyện với bác. Tôi hỏi tiếp :
  • Sao ở đó có biển cấm bán hàng mà bác vẫn bán? Hay là bác không để ý nên không thấy ?
  • Tôi nào có biết cái biển cấm ấy viết gì. Từ bé đến giờ, tôi có được học chữ nào đâu. Đến tên mình cũng chẳng viết nổi. Mà như thế này cũng quen rồi. Cả ngày bán hàng, đôi ba lần bị công an đuổi cũng là bình thường thôi.
  • Có lần nào, bị đánh không bác? Tôi tò mò hỏi.
  • Đuổi thì họ dám chứ đánh thì không. Mà hình như cô không phải người ở đây.
  • Vâng, cháu đến đây học thôi, không phải người bản địa.
  • Trường này hả. Bác chỉ tay về phía cổng chính trường tôi.
  • Vâng, đại học Cát Lâm bác ạ.
  • Con trai tôi cũng học trường này. Nó là niềm hi vọng của cả gia đình tôi đấy.
  • Cậu ấy năm mấy, học ngành gì ạ?
  • Năm hai, báo chí. Nhắc đến con trai, ánh mắt bác sáng lên, giọng nói linh hoạt hẳn.
  • Vậy cùng học viện với cháu, cậu ấy tên gì ạ ?
  • Trương Thư Nguyên, cháu có biết nó không ?
  • Dạ không, nhưng tên cậu ấy hay quá.
  • Ừ, bác nhờ ông giáo trong xóm đặt tên cho nó. Nó ngoan và chăm học lắm. Đi học ở luôn trong kí túc, thi thoảng mới về. Mà lần nào về cũng gầy hẳn đi.
  • ….
  • Đây, lê của cháu đây. Bác hồ hởi đưa cho tôi.
  • Sao bác cân cho cháu nhiều vậy ?
  • Ôi dào, vài quả lê. Sinh viên mà, cứ cầm đi. Coi như cháu là bạn thằng Thư Nguyên nhà bác.
  • Ngại quá, cháu cảm ơn ạ. . Tôi đưa tiền mà bác nhất nhất chị nhận tám tệ.

Cầm túi lê trên tay mà tôi thấy rất áy náy. Đi vài bước, tôi ngoái lại. Không còn vẻ mệt mỏi ban nãy, bác ngồi dựa gốc cây, chân duỗi ra đám cỏ, một tay bóp bóp đôi chân dường như đã mỏi mệt, tay kia cầm quả lê đưa lên miệng. Có lẽ bác đang nghĩ về Thư Nguyên hay một tương lai tươi sáng của con trai.

Hai mẹ con nọ đi qua đường. Thằng cu đòi ăn lê, mẹ nó không đồng ý. Thằng bé dừng lại, giậm chân giậm tay khóc ăn vạ. Ông lão bán lê chạy ra, đưa cho thằng bé quả lê. Nó ngưng khóc, đưa tay ra nhận. Mẹ nó kéo nó đi, quả lê rơi xuống đất, lăn xuống lòng đường. Chiếc ô tô vụt qua, cán nát quả lê, nước in lại một vệt trên đường. Ông lão thở dài nhìn theo thằng bé. Thằng bé vẫn khóc. Tiếng mẹ nó văng vẳng :

  • Thích thì mẹ mua ở siêu thị cho, ăn gì thứ linh tinh ấy.

Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *