Nhiên Viết Truyện Ngắn Chuyện ở huyện

Chuyện ở huyện

Gần đây huyện tôi rộ lên phong trào viết truyện. Người người viết truyện, nhà nhà đọc truyện. Kể cũng hay, từ ngày có ông chủ tịch huyện yêu văn thơ lên nhậm chức, phong trào văn nghệ ở huyện đi lên hẳn. Nghe đồn, ông chủ tịch huyện ngày xưa cũng chẳng học văn thơ gì đâu, là cái đam mê đấy, nhưng mà cuộc sống bộn bề lo toan, đành gác lại cái giấc mơ nhỏ nhoi, miệt mài đèn sách, nay công thành danh toại, ông nhớ đến cái ước mơ xa xưa của mình, muốn khơi dậy đam mê trong người khác. Thay cái người chẳng đủ khả năng như ông hoàn thành ước nguyện. Dù gì, nếu ai được ông đỡ đầu có chút tiếng tăm, thì ông cũng được thơm lây. Ông ấy tốt, thế cơ mà.

******  

Ngày ông mới về, ông ngượng ngùng khoe vài mẩu truyện ngắn ông viết từ năm nảo năm nào, ngờ đâu dân tình khen lấy khen để. Ông vui lắm, đi ra đi vào tươi cười. Có hô, giữa trưa nắng, ông chẳng ngại ngần đi bộ cả gần cây số ra chợ mua giúp vợ gói bột canh chỉ vì mấy bà bán hàng tạp hóa thích truyện ông viết. Họ in ra đọc, tiện thể đuổi ruồi, không thì che vài miếng đường phèn chảy nước. Cơ mà ông vẫn vui, có hôm còn tiện tay đưa cho họ cả xấp truyện ông viết. Ông cũng chăm chỉ qua thăm hàng xóm láng giềng, vừa ngồi đánh cờ, ông Hưng hàng xóm vừa xuýt xoa :

  • Em phục bác thật. Cái gì cũng giỏi. Ông trời ưu ái bác lắm.
  • Chú cứ nói vậy, tôi cũng thường thôi.
  • Bác cứ nói thế, có ai làm chủ tịch huyện mà lại có tài viết truyện như bác đâu.

Ông vuốt cái chòm râu cụt lủn rồi cười khà khà, nhấp chén chè cặn đặc.

  • Mà thằng con em dạo này học hành sa sút, cô giáo dạy Văn mắng nó suốt. Em nghĩ bác văn hay chữ tốt, bác chỉ bảo cháu nó hộ em.
  • Chú cứ nói quá….nhưng được rồi….để tôi xem.
  • Thằng Tí đâu, mang bài văn ra đây cho bác Hoành xem nào! Ông Hưng vừa dứt tiếng, thằng con lao ầm ra tí đâm vào bác Hoành. Bố nó ấn vào đầu: – Không có ai có phước như mày đâu con nhé, bác chủ tịch huyện xem bài cơ đấy.

Thằng nhóc chẳng hiểu gì chỉ gãi đầu gãi tai, nhìn cái dáng khề khà của ông Hoành vuốt vuốt cái cằm có vài cọng râu, lúc thì nheo mày, lúc thì khẽ đẩy cái khóe miệng cười cười. Đọc xong, ông vỗ đen đét vào đùi, cười sáng khoái: – Con mèo có năm chân à? Trí tưởng tượng của cháu thật phong phú. Hay đấy! Hay đấy!

  • Là sao hả bác? Ông Hưng ngạc nhiên.
  • Con nhà chú là có khiếu văn chương lắm đó, phải bồi dưỡng cho nó.
  • Nhưng cô giáo phàn nàn lắm bác ạ.
  • Không sao. Không sao. Điểm số có phải tất cả đâu, con trai nhỉ.

Thằng bé được ông chủ tịch huyện xoa đầu, lại không bị mắng chỉ hì hì cười.

Chiều về, ông trầm ngâm cả buổi. Vợ đi qua hỏi vài câu mà ông chẳng nghe thấy, bà bực véo tai ông một cái.

  • Á….bà làm cái gì đấy?
  • Ông tương tư con nhỏ nào hả? Mới lên chủ tịch huyện mà đã đòi bồ bịch hay sao ?
  • Bà, nhỏ nhỏ cái mồm cho tôi nhờ, hàng xóm nghe thấy bây giờ.
  • Cái gì? Ông bồ bịch ở đâu? Bà vợ xán đến xách tai ông lên, rít kẽ răng chẳng để gió lọt qua.
  • Bồ bịch nào. Vớ vẩn. Bà bỏ tay tôi ra. Nghe tôi nói này.

Bà Hoành lườm ông, ra hiệu cứ nói.

  • Tôi định bụng bán lứa lợn kia, lấy tiền tổ chức một cuộc thi nho nhỏ, bà thấy sao?
  • Cuộc thi gì ?
  • Thi viết truyện, tôi thấy ai cũng có khả năng viết hết, chỉ là chưa có cơ hội bộc lộ thôi.
  • Tự dưng mất cả lứa lợn, chả ra sao cả.
  • Rồi thì bà ra đường người ta trọng vọng bà, đi đâu người ta cũng nể. Không thích à?
  • Nhưng mà….cả lứa lợn….
  • Coi như làm phúc đi. Rồi tôi đề nghị bà làm giám khảo

Khổ cho bà Hoành là tín Phật lắm, nghe đến làm phúc là bà gật gà gật gù rồi gật rụp luôn. Lại nghe đến làm giám khảo, oách lắm đấy. Chả gì, trước đây, bà cũng biết hát chèo, ai dám bảo bà không có con mắt nghệ thuật nào.

Thế là chưa đầy một tuần sau, trên bảng thông báo cũ nát ngoài Ủy ban huyện có bảng thông báo “Cuộc thi viết truyện ngắn huyện Hưng Hòa lần 1” được dán hiên ngang, ai đi ra đi vào cũng chăm chú đọc. Một đồn mười, mười đồn trăm. Mọi người háo hức lắm. Dù sao thì cũng là cuộc thi, mà thi lại có giải. Mấy ông giáo làng, lũ học sinh lãng mạn khấp khởi mừng. Hai mươi truyện hay nhất sẽ có phần thưởng, mà không có phần thưởng thì cũng có cái danh. Thế là, khi thành viên ban giám khảo chưa được công bố, người ta đã thi nhau viết truyện. Ủy ban huyện tấp nập hơn hẳn. Ngày nào cũng thấy người ta vào đòi nộp bài dự thi. Chỉ khổ mấy bác bảo vệ. Có kẻ mang cái mặt song song với trời “tôi biết viết truyện, tôi sắp thành nhà văn”, đến bực.

Riêng ông Hoành, ông rất tâm huyết. Bài dự thi nào đến, ông cấp kinh phí phô tô mỗi bài thêm đôi chục bản, để bác bảo vệ dán dần lên bảng thông báo cho người dân đọc. Mà hài, có hôm mải đọc truyện, ông quên cả họp, làm đồng chí trên Sở xuống ngồi chờ cả giờ đồng hồ không biết làm gì, đành đọc truyện. Đồng chí trên sở còn như vậy, nói gì là người dân. Tan việc, họ ghé vào ủy ban lấy tờ truyện về đọc, có người làm nông, chẳng biết chữ cũng lên lấy, về để con đọc cho nghe. Ông Hoành thấy vậy cười khà khà “Đời sống tinh thần, nhận thức của dân mình nâng cao hẳn.”

Rồi cái ngày mọi người chờ đợi cũng đến. Sau cuộc họp vài phía, danh sách ban giám khảo được công bố. Mọi người bu đầu vào xem :

  1. Bà Nguyễn Thị Mơ – cán bộ sở Văn hóa
  2. Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó chủ tịch huyện
  3. Ông Đinh Quang Hoành – Chủ tịch huyện (đồng tài trợ)
  4. Bà Lê Thị Miều – nhà tài trợ chính.

Nhiều người thắc mắc nhà tài trợ là ai mà hào phóng vậy, họ đoán già đoán non là bà Việt kiều yêu quê hương nào đó. Rồi thì thôi kệ, bà ta thừa tiền thì bà ta cho, dân mình cũng chẳng mất gì. Sau hôm ấy, danh tiếng ông Hoành nổi như cồn, ngồi quán nước đầu ngõ cũng không yên. Tự dưng thấy đâu thằng nhỏ nào đó chạy đến dúi cho ông tờ giấy: – Bác đọc rồi góp ý cho cháu.

Thế là thằng bé ngồi chăm chăm nhìn ông nuốt từng chữ.: – Ờ….ờ…bác thấy cũng được đó, cháu cứ viết nhiều là tiến bộ thôi.

Rồi thỉnh thoảng, nửa đêm tiếng chuông điện thoại nhà ông reo ầm ỹ, bực mình, ông rút cả dây điện thoại, ngật ngưỡng chui vào màn, miệng lẩm bẩm: “Làm người nổi tiếng khổ thật”.

*****

Cuộc thi đang bước vào giai đoạn cuối, họ sắp công bố danh sách 20 truyện hay nhất. Tôi cũng tò mò, ra ngồi hàng nước. Tay lăm lăm một truyện mới lấy, tựa đề hay đáo để “ Sống”.

  • Truyện này hay ra phết bác ạ! Tôi nói với bác hàng nước.
  • Hay hả? Tôi xem nào. Bác với lấy tờ giấy, cũng chăm chú đọc không khác gì tôi.
  • Hay thì làm được gì hả bác, người ta có tiền, người ta có quyền. Cậu trai viết truyện than thở.
  • Cậu bi quan thế, tôi đọc thử đã nào. Bác hàng nước cười xòa.
  • Hay thật đấy, cậu để tôi giữ tờ giấy này, tôi ở đây giới thiệu cho mọi người. Nghe đâu còn có giải bình chọn nữa cơ mà.
  • Có cả giải bình chọn à bác? – Một câu trai trẻ hỏi chen vào.
  • Ừ, nghe đâu giải thưởng cũng cao lắm…
  • Mà ngày mai công bố danh sách hai mươi truyện rồi đó. Tôi háo hức quá.

****

Sáng ra, đám người lố nhố chầu chực bên bảng thông báo, có người đi đi lại lại, dẫm nát hết cả đám cỏ gần đó. Tôi may mắn, cũng chen được một chân đứng xem.

  • Đến rồi! Đến rồi! – Tiếng ai đó reo lên.

Đám người dạt cả ra, rồi cái anh thư kí ban giám khảo vừa dán xong “Danh sách hai mươi truyện hay nhất” thì người ta lại bu lại. Có người cười mãn nguyện, có người lại không vui lắm, ậm ừ “Ừ thì đọc thử xem nào, không có truyện mình thích, tiếc thật”. Tờ giấy thông báo thể lệ bình chọn cũng được gián ngay bên cạnh. “Một phiếu bình chọn trị giá 2000vnd, nhận phiếu bình chọn tại phòng bảo vệ, mỗi người được bình chọn tối đa ba truyện. Số tiền thu được sẽ trở thành giải thưởng cho người nhận được lượt bình chọn cao nhất”.

Vài hôm sau, rảnh rang tôi ngồi đọc truyện, rồi cũng mò lên ủy ban huyện. Đưa sáu ngàn cho bác bảo vệ, tôi nhận ba chiếc phiếu đánh sẵn số truyện mà tôi muốn bình chọn, đi về mấy cái thùng sắt phía bảng thông báo.

  • Cậu đưa chứng minh thư cho tôi đã.
  • Làm gì hả bác? Trước có vậy đâu ạ?
  • À, quy định mới đây này. Bác gõ gõ vào tờ giấy cạnh đó. Tôi cũng không đọc, đi luôn, bác bảo vệ lúi húi ghi gì đó, lúc đi ra tôi có liêc được: Nguyễn Văn Nguyên – 050699140 – 04-Sống. 09- Chuyện tình tôi. 17-Tôi không yêu em.

Kể ra ban tổ chức chu đáo ra phết, ghi lại số chứng minh thư để xác định người bình chọn, sáng suốt sáng suốt.

****

Còn ba ngày là hết thời gian bình chọn. Ủy ban càng đông người. Con bé Nga thôn Đông, xã Hạ có truyện lọt vào, gọi cả bạn bè đại học về chơi, tiện thể lên thăm ủy ban huyện. Chúng nó xếp hàng dài lấy phiếu bình chọn, có đứa không thèm đọc truyện, còn cố tình vòng qua vòng lại đôi ba lần lấy phiếu bình chọn. Tấp nập lắm..

Rồi cái ngày trọng đại của huyện đã đến. Họ cũng công bố truyện đạt giải. Truyện “Cây lúa” đạt giải nhất với điểm số rất cao. Mọi người gật gù “được đấy”, “truyện này hay mà”. Nhưng mà nhìn sang bảng điểm thì đến lạ. Cái danh sách hai mươi truyện hay thì có đến sáu bảy truyện mà hai giám khảo chấm không đến năm mươi điểm. Đặc biệt, vị giám khảo nhà tài trợ chấm điểm rất khắt khe. Ai cũng thắc mắc, không hiểu sao điểm lại thấp đến vậy. Lại còn nghe nói truyện của con bé Nga, có người bình chọn mấy lần, ghi lại số chứng minh thư hẳn hoi lại, thế mà không bị loại kết quả. Tính tò mò trỗi dậy, tôi lại ngồi hàng nước nghe ngóng tình hình. Có ông anh ra chiều bức xúc: – Cứ tưởng là chấm thế nào cũng được à? Không biết bà đó có biết đọc truyện nữa không?

  • Nói vậy chứ, người ta có tin, chấm thế nào chẳng được.
  • Lại còn cái bình chọn nữa, mất không ổ bánh mỳ mà chẳng đâu ra đâu.

Cuộc chuyện đang rôm rả, ông Hoành đèo bà Hoành trên cái xe ga to oành lướt qua. Đám ì xèo tạm lắng. Bác hàng nước bỗng chợt nhớ ra điều gì….:

– Ơ, vợ ông Hoành không phải tên là Lê Thị Miều sao?

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...