Tôi và bạn vẫn nói chuyện với nhau, như mọi ngày. Chúng tôi nói về công việc, gia đình, tình cảm, tiền bạc… tất thảy. Chúng tôi nói về những điều chúng tôi muốn, cần, làm được hay không làm được. Chúng tôi kể nhau nghe về chân dung bản thân mình qua lời kể của người khác. Rồi tự hỏi, vì sao ta sống, tồn tại, ngày qua ngày bằng ánh mắt của người khác.
Nhiều khi, chúng ta biết rõ câu trả lời của việc mình muốn gì, cần gì, nhưng sau cùng, vẫn là cun cút làm theo người ta nghĩ.
Tôi từng nghe nhiều lời người ta nói về mình: tùy hứng, thích bay nhảy, kiêu căng, ngạo mạn. Người ta đều nói đúng, chỉ có điều người ta không biết rằng, thái độ của tôi với một người chính là biểu hiện về sự tôn trọng của tôi với người ấy. Tôi đã từng dành một thời gian dài để tìm hiểu và học cách yêu thương chính bản thân mình. Tình yêu dành cho chính mình vốn dĩ không phải là một tình yêu mù quáng, mà đó là điều thiết yếu cần có. Đã có lúc tôi do dự, lung lay về lập trường của bản thân để rồi khi nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, tôi hiểu ra rằng, nếu đã tin vào điều gì, hãy cố gắng để chứng minh điều đó.
Bởi cuộc sống vốn dĩ muôn hình vạn trạng, mỗi người có đôi tai khác nhau nên âm thanh cuộc sống với họ không giống nhau. Mỗi người có đôi mắt khác nhau nên họ nhìn nhận sự việc với cách của riêng họ. Mỗi người cũng có miệng lưỡi khác nhau vậy nên người ta có những câu nói bóng bẩy, dễ nghe hay hà khắc. Mỗi người có một trái tim khác nhau, nên họ lương thiện, chân thành, gian dối, bao dung hay hằn học cũng là do mỗi người lựa chọn. Chúng ta sinh ra với khuôn mặt, dáng hình, tính cách và cuộc sống khác nhau. Nhưng, vì lý gì mà người ta có quyền áp đặt suy nghĩ của mình lên hành vi của người khác chỉ với ba từ: người ta nói? Mà ta quên mất rằng, trong cuộc đời, tồn tại biết bao nhiêu “người ta”.
Có một bài giảng của thầy giáo khiến tôi nhớ mãi. Lớp học chúng tôi có ba dãy bàn: trái, phải và ở giữa. Bục giảng của thầy nằm ngay chính giữa căn phòng, lúc đó thầy đặt một trái táo lên bục và hỏi:
– Trái táo này có màu gì?
Phía bên trái nói màu vàng, phía bên phải nói màu đỏ, còn ở giữa nói rằng nửa đỏ nửa vàng.
- Rất đúng! – Thầy nói, rồi lại xoay mặt phía trong của trái táo – phần còn lại của trái táo đã bị gặm khoét nham nhở, thầy lại hỏi:
- Lúc này thì trái táo màu gì?
Tất cả chúng tôi không ai trả lời. Thầy thủng thẳng nói: – Các em thấy đấy, đó mói chỉ là khi chúng ta nhìn nhận về trái táo. Thực ra tôi cũng như các em, tôi không có đáp án hoặc không dám đưa ra đán án cho câu câu hỏi vừa rồi. Chỉ là trong cuộc sống của chúng ta, hãy cứ tin vào đôi mắt của mình, nhưng đừng áp đặt ánh nhìn của mình lên người khác. Cũng đừng phủ nhận cái nhìn của người ta, mỗi người có một góc nhìn khác nhau, còn bài toán cuộc sống thì không chỉ tồn tại sai và đúng.
Sau này, tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống và xã hội tôi vẫn luôn thầm cảm ơn thầy bởi những bài học dung dị của thầy. Và rồi, vẫn cứ tự do, bay nhảy. Những ánh nhìn từ chiếc lồng Người Ta Nói, có chăng, cũng chỉ còn là gia vị của cuộc sống mà thôi.
Nhiên.