Truyện Dài Chỉ bởi tiếp tục sống Chỉ bởi tiếp tục sống (4)

Chỉ bởi tiếp tục sống (4)

Phần 1: Bắc Hàn 1. Đàn chim và bầy chuột cũng nghe thấy bạn đang thì thầm (1)

Sông Áp Lục là một dòng sông như một cái đuôi của con rồng lớn, kẹp giữa Trung Quốc và Bắc Hàn,xuôi về Hoàng Hải. Hyesan ở phía bên này của sông Áp Lục, chảy về hướng sơn cốc Bạch Đầu Sơn (hay còn gọi là Trường Bạch Sơn), thành phố với 250.000 dân này sống rải rác giữa những núi đồi trùng điệp, cao nguyên, rừng rậm và nghĩa địa. Bình thường, sông Áp Lục nước cạn và chảy hiền hòa, đến mùa đông sẽ kết băng. Chúng tôi ở đây cũng là nơi lạnh nhất của Bắc Hàn, quá nửa năm là mùa đông, khí hậu có thể xuống đến âm 40 độ, cơ thể phải thật khỏe mạnh, cường tráng mới có thể sống ở đây.

Đối với tôi mà nói, Hyesan là nhà của tôi.

Đối diện bên kia sông là thành phố Trường Bạch, rất nhiều người ở đó có huyết thống Triều Tiên, những người hai bên biên giới vốn có mối giao tình vài thế hệ. Lúc còn nhỏ, tôi thường đứng trong bóng đêm nhìn về phía sáng đèn, sáng lửa đối diện, tự hỏi rằng bên ngoài quê hương tôi, người ta sống một cuộc sống thế nào. Mỗi lần lễ tết hay ở Trung Quốc đón năm mới, nhìn thấy pháo hoa rực rỡ sắc màu trên bầu trời đêm, chúng tôi đều rất hào hứng. Ở nơi này, chúng tôi chưa từng có hoạt động nào như vậy. Có những lúc đi gánh nước, khi có gió từ bên kia thổi qua, tôi thậm chí còn ngửi thấy trong gió có mùi của bờ bên kia, có mùi của thức ăn, mùi dầu mỳ, mùi sủi cảo. Gió cũng mang tiếng ồn ào náo nhiệt của đám trẻ con đang chơi đùa truyền đến nơi này.

“Này, bọn mày bên đó có đói không?” Một thằng nhóc ở bên đối diện dùng tiếng Hàn gào lên với tôi.

“Mới không! Im mồm! Thằng mập Trung Quốc!” Tôi cũng gào lên với nó.

Không đói mới lạ. Thực ra tôi rất đói, nhưng nói ra cũng không có tác dụng gì.

Tôi đến với thế giới này quá sớm.

Mẹ mang thai tôi mới 7 tháng, ngày 4 tháng 10 năm 1993 thì mẹ sinh ra tôi. Khi sinh ra, tôi nặng chưa đến 1.4 kg. Bác sỹ ở Hyesan nói với bà rằng, tôi quá nhỏ “Sống được hay không rất khó nói”, bác sỹ muốn giúp cũng không có cách nào, chỉ xem vận mệnh của chính bản thân tôi mà thôi.

Cho dù mẹ có đắp lên người tôi bao nhiêu chăn, thảm cũng không khiến cơ thể tôi ấm lên được. Thế rồi bà mang một tảng đá lớn đã được nướng đem cuộn vào thảm, chỉ để giữ ấm cơ thể cho tôi, cũng vì thế, mà tôi có thể qua được . Vài ngày sau, ba mẹ ôm tôi về để chăm sóc.

Chị tôi, Eunmi lớn hơn tôi 2 tuổi, bởi vậy lần này ba tôi luôn hi vọng tôi sẽ là một cậu con trai. Trong xã hội phụ quyền Bắc Hàn, chịu trách nhiệm tiếp nối dòng tộc đều là của nam giới. Ba tôi dù có chút thất vọng, nhưng sau đó cũng dần dần vơi bớt. Thông thường trẻ nhỏ thân với mẹ, nhưng khi tôi khóc, chỉ có ba biết nên dỗ tôi thế nào. Trong vòng tay của ba, tôi mới cảm nhận được sự an toàn, được bảo vệ và yêu thương. Nhưng dù là ba hay mẹ, từ nhỏ, họ dạy tôi phải biết tự hào về chính mình.

Khi tôi còn rất nhỏ, cả nhà chúng tôi sống trong một căn nhà nhỏ bên sườn đồi. Căn nhà đó vừa nhỏ, vừa lạnh, chỉ cách hàng xóm một bức tường, cho nên chỉ cần nhà bên cạnh phát ra bất cứ âm thanh nào, chúng tôi đều nghe thấy, buổi tối có thể nghe thấy chuột gặm nhấm, chạy loạn trên tấm phản, nhưng với tôi, nơi ấy – nhà tôi, là thiên đường bởi cả gia đình tôi được ở cùng nhau.

Đen tối và lạnh lẽo là kí ức đầu tiên của tôi về thế giới này. Ngày đông mạn trường, thứ được nghênh đón nhất trong nhà là lò sưởi nhỏ, đốt củi gỗ, than hoặc bất cứ thứ gì chúng tôi tìm được. Chúng tôi nấu cơm trên lò sưởi, dưới tấm phản đất sét có đặt ống nước, có thể truyền nước ấm đến đầu bên kia. Hệ thống sưởi truyền thống đáng lẽ ra có thể khiến căn phòng ấm áp, nhưng cuối cùng thì cũng không ăn thua so với đêm đông lạnh giá. Trước khi đi ngủ, mẹ tôi sẽ phủ một tấm thảm ở bên tường gần lò sưởi, cả nhà tôi sẽ chui vào trong đó. Đầu tiên là mẹ, đến tôi, rồi chị, cuối cùng là ba tôi cho nên ba tôi cách đó xa nhất, cũng lạnh nhất. Sau khi mặt trời xuống núi, bốn bề tối đến mức không nhìn thấy gì xung quanh. Ở nơi đó, liên tục vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng không có điện cũng là chuyện bình thường, thêm vào việc nến cũng rất đắt, vậy nên chúng tôi thường mò mẫm chơi đùa trong bóng tối, thậm chí, có nhiều lúc trong chăn, chúng tôi vẫn chơi đùa.

“Đây là chân của ai?” Mẹ tôi vừa hỏi, vừa dùng chân gại gại.

“Chân con! Chân con!” Eunmi hào hứng đáp.

Đến mùa đông, dù là sáng hay tối, trên cửa sổ của nhà nhà ở Hyesan đều là khói, có khi, mùa hè cũng vậy. Đường phố nơi chúng tôi rất nhỏ, nơi tôi sống cũng đậm tình người, ai cũng quen biết nhau. Chỉ cần thấy nhà nào không có khói bay lên, chúng tôi sẽ đến đó, gõ cửa, hỏi thăm tình hình.

Kẹp giữa hai dãy nhà là con đường nhỏ, nhỏ đến mức xe không thể đi vào, nhưng dù sao thì ở đây cũng rất ít xe, nên chẳng ảnh hưởng gì. Những người gần đó hầu như đều đi bộ, số ít người có thể đảm bảo được cuộc sống thì đi xe đạp hoặc xe máy. Sau mỗi cơn mưa, mặt đường trở nên trơn bóng, trẻ con thích nhất là chơi trò bắt người ở đó. Tiếc là tôi nhỏ hơn đám bạn cùng tuổi, động tác lại chậm nên mỗi lần tôi đều không đuổi kịp người ta, cũng chẳng chạm được đến tụi nó.

Sau này tôi đi học, có lần vì bảo vệ tôi, Eunmi còn đánh nhau với đứa trẻ lớn hơn. Chị  ấy cũng không cao nhưng rất thông minh lanh lợi, vừa là bạn, vừa là bảo kê của tôi. Khi tuyết rơi, chị sẽ cõng tôi lên sườn đồi,  sau đó cho tôi ngồi lên chân, hai tay ôm lấy tôi. Tôi giữ chặt lấy chị, vừa nói vừa cười cùng chị, dùng mông trượt xuống đồi. Chỉ cần được ở bên chị, là tôi thấy mãn nguyện.

Mùa hè đến, tất cả lũ trẻ đều chạy đến sông Áp Lục chơi, nhưng tôi chưa từng học bơi nên chỉ ngồi trên bờ, nhìn lũ trẻ bơi theo con sóng. Có lúc chị tôi hoặc bạn tốt nhất của tôi – Yong Ja thấy tôi một mình sẽ mang đến cho tôi những hòn đá đẹp đẽ mà họ tìm thấy ở đáy sông. Có lúc, bọn họ sẽ mỗi người một bên mà kéo tay tôi lôi xuống sông vầy nước rồi lại lôi tôi lên bờ.

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...