“Bánh khúc đây! Tôi là bánh khúc đây!” Tiếng rao đều đều phát ra từ chiếc loa tay cũ kĩ gắn ở phía trước xe đạp. Ngày nào cũng vậy, đến giờ ấy là người đàn ông luống tuổi đạp xe qua ngõ này. Mười một giờ mười phút. Dụi đầu thuốc vào chậu hoa đã chết khô từ bao giờ, gã thở ra một hơi dài đầy khói. Gã ngước nhìn trời, mảnh trăng mỏng mảnh tancả vào mây. Trăng cũng đang nhìn hắn, nhìn theo cái cách của một bậc vĩ nhân nhìn vào con chuột đang miết mải gặm những song sắt của chiếc lồng, không phải để thoát ra, mà là để mài răng cho đỡ ngứa.
Ở chốn thị thành này, bậc vĩ nhân ấy cũng trở nên mòn vẹt. Gã vẫn nhớ những đêm nằm đèo, trăng trên núi trong vắt không một hạt sạn. Gã tựa vào vai nàng, ê a vài câu hát. Trăng cũng đung đưa theo. Những ngày ấy cũng chẳng xa cách là bao, cái ngày được cùng nàng, và những người trẻ khác khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng rong ruổi khắp những cung đường, để tìm thấy hình thấy bóng của nước. Ngỡ như những ngày tháng bên nhau gắn kết gã và nàng…
“Bánh khúc đây! Tôi là bánh khúc đây!” Mười một giờ hai mươi phút. Vẫn là ngã giao ấy nhưng tiếng rao vang lên lần cuối rồi im bặt. Gã nhìn xuống đường rồi châm đến điếu thuốc thứ ba, tính từ mười phút trước. Cả căn nhà không nhỏ bé của gã có vẻ trống lặng. Cái cửa chính xa tít ngoài kia, phía sau nó là những cánh cửa với song sắt được đóng kín. Người ta tự giam nhau vào đó, chẳng ai biết, mà cũng chẳng ai quan tâm đến ai. Thành ra, gã lại trân trọng cái ban công nhìn ra phía đường nhiều hơn. Chí ít, gã có thể nhìn sang những ban công nhà đối diện, hoặc nhìn xuống phía dưới đường, xe cộ qua lại, và nghe thấy âm thanh vang vẳng từng đêm kia.
Gã vẫn nhìn chằm chặp xuống đường, hai chiếc xe đạp đi song song nhau. Đều là những chiếc xe cà tàng, những chiếc loa với âm thành rè rục, những thúng bánh chực chờ mọt hỏng. Không ít lần nhìn đôi chiếc xe ấy gã đã phỏng đoán về mối quan hệ của họ nhưng rồi gã lại quên đi, bởi chẳng có gì liên quan đến gã cả.
Gã ngước lên nhìn trời, bầu trời chật hẹp bởi những toàn nhà cao tầng đua nhau vươn lên, choán hết cả không khí để hít thở. Chỉ là gã nghĩ vậy, chứ thực ra chẳng ai lấy đi của gã – hay những con người nơi đây một mi li mét khối không khí nào. Gã đã muốn mơ mộng, muốn hồn nhiên giữa đời nhưng hiện thực của cuộc sống luôn là cái tát rát mặt không ngừng tung về gã. Gã đã từng có một gia đình vui vầy, khi còn nhỏ. Chị gái hơn gã ba tuổi đã lấy chồng rồi theo chồng vào Nam từ tám năm trước. Con gái họ cũng đã vào lớp một. Thành ra, gã lại trở thành con trai độc nhất của gia đình. Hai năm trước, ba gã mất đột ngột trong cơn tai biến, mẹ gã theo đấy mà quy y cửa Phật. Căn hộ gã ở, bởi vậy mà thêm trống trải. Chẳng còn ai giục gã chuyện gia đình, không có ai cằn nhằn về những bữa cơm vắng mặt, những buổi nhậu thâu đêm. Gã, vô tình được cả thế giới quanh hắn ban cho đặc quyền tự do. Tự do đến mức gã mong có ai đó giam gã vào một cái lồng, cái cùm gì đó cũng tốt.
Có nhiều lần rong ruổi trên những con phố, gã tự hỏi, cuộc sống của gã là bất hạnh hay hạnh phúc? Gã không thiếu, nhưng cũng không thừa cái gì. Nhà, xe, tiền bạc, bạn bè đều ở mức đủ dùng. Chỉ là, nhiều khi, gã thấy cô độc đến lạ lùng. Cô độc đến mức, ngồi giữa đêm đen để châm sáng một điếu thuốc lại là thứ hạnh phúc giản dị. Chẳng ai giúp hắn trả lời câu hỏi ấy. Bởi, hắn cũng chưa từng đặt câu hỏi với ai khác ngoài não bộ của chính mình.
- Anh! Hay là mình chia tay nhé! – Nàng thỏ thẻ, dịu dàng hơn bất cứ lời nào nàng nói với gã trước đây.
- Lý do?
- Bố mẹ em sợ em cưới anh sẽ khổ, vì anh tự do quá…
- Lý do chính? – Gã nhìn nàng với cái nhìn xoáy sâu, đôi mắt gã cũng như chực trào lệ.
- Em thấy… nhạt.
- Ừ, nhanh gọn thế tốt hơn. Anh cũng thấy nhạt.
Gã rồ ga phóng xe đi. Nàng đứng trước cửa nhà mắt ầng ậc nước. Mà gã, cũng chẳng khác gì. Cách đó một phút, họ gọi tình cảm họ nuôi dưỡng là nhạt toẹt, ngay sau đó một phút họ biết nó nhạt đến đâu nhưng không ai biết phải bắt đầu hay kết thúc thế nào.
Gã đã tự thiếp đi dưới cái xoay vòng vòng của chiếc quạt treo lỏng lẻo trên trần nhà.
Cuộc sống bình thản vẫn cứ trôi đi. Nàng vẫn là nàng, gã vẫn là gã. Sáng sớm vẫn là những tiếng còi xe inh ỏi, tiếng chợ búa lao xao. Gã vẫn thức giấc, nhìn đời qua song sắt ban công. Nhìn những ô cửa đối diện đóng khép đầy màu sắc. Gã vẫn đi làm, dù không tập trung. Gã vẫn nhậu, dù không hứng thú. Gã vẫn làm mọi điều như một thói quen.
“Bánh khúc đây! Tôi là bánh khúc đây!” Vẫn là tiếng rao ấy quấy rầy tâm tưởng vốn chẳng yên bình của gã.
- Chú! Cho cháu một bánh khúc!
- Của cậu đây. Ăn nóng nhé.
- À, vâng. Cảm ơn.
Sau khi cất tờ tiền cẩn thận vào túi, người đàn ông bán bánh lại miệt mài trên chiếc xe cà khổ. Nhìn tấm áo bạc màu, gã tự hỏi, đâu phải chỉ những nơi xa xôi mới có những người nghèo khổ. Gã thầm cười cho cái sự ngốc nghếch của mình, sống được hai mươi mấy năm cuộc đời, mãi mới nghiệm ra được một điều tưởng chừng như đơn giản.
Cuộc sống, ai cũng phải mưu sinh, ai cũng phải khắc khổ, và có ai hay đắm chìm trong suy nghĩ như gã?
Đêm đến, màn đêm đè nặng xuống vạn vật, nhưng có vẻ chẳng có tác dụng với hương hoa sữa nồng nàn. Hương thơm ấy khiến gã được an ủi, bất giác, gã đi ra khỏi nhà lúc nào không hay. Cái se se lạnh của đêm thu làm gợn da. Gã đi quanh khu chung cư một vòng rồi ngồi lại ghế đá, nơi giao đường. Chiếc xe cà tàng ấy lại tiến đến, vẫn giờ ấy, như mọi ngày.
- Còn bánh khúc không chú?
- Còn đúng một phần, cậu có mua không?
- Vâng, mua ạ. Tự dưng cháu đói quá. – Gã buột ra lời nói dối một cách tự nhiên.
- Cậu chờ một chút. Có ngay đây.
- Hàng ngày cháu vẫn thấy chú đi vòng lại với một xe khác. Bà con của chú à? – Gã hỏi như bâng quơ.
- Vợ tôi đấy. Cả hai vợ chồng đều bán bánh khúc. Sáng ra mỗi người đi một hướng, đến đêm muộn rồi lại mới gặp nhau rồi cùng về.
Người đàn ông ấy đưa cho gã gói xôi khúc rồi leo lên xe để đi tiếp. Lúc ấy gã mới thấy bước chân của ông có phần tập tễnh. Gã nghi ngại rồi cũng ngỏ lời:
- Hôm nào chú về sớm thì ngồi đây nói chuyện cùng cháu được không? Nhà cháu ngay trên kia, tối nào cháu cũng đứng ở ban công. – Gã nói, tay chỉ về phía những song sắt trên cao.
- Vâng, hẹn cậu ngày mai.
Gã nghe vậy mà trong lòng như đang cười nắc nẻ. Những miếng xôi khúc nóng ấm cứ thế trôi qua thực quản rồi vào đến dạ dày. Khoảng trống trong gã cũng được lấp đầy khi nào không biết.
Gã nhớ lại những ngày tháng gã trải qua trong căn nhà của mình. Ba tháng tuổi, gã tập lẫy như bao đứa trẻ khác nhưng với gia đình gã khi ấy thì đó là sự kiện trọng đại. Khi mười ba tuổi, gã bắt đầu vỡ giọng. Gã bị ám ảnh bởi hình ảnh những người con gái cứ lướt qua trước mặt. Gã bối rối về bản thân khi sáng dậy đũng quần ướt nhớp nháp. Gã nhỏ nhoi bó gối tự hỏi chính mình. Những câu hỏi chỉ tự gã khai sáng, chẳng cần biết đúng sai, rồi thì gã cũng qua thời ấy. Rồi khi sang tuổi hai mươi ba, sẽ là ba mươi ba hay thậm chí là bốn mươi ba; cuộc đời gã vẫn sẽ là vòng trong luẩn quẩn. Như thể có những sợi dây vô hình tròng vào cổ gã với cả mớ bòng bong: sự nghiệp, tiền tài, tình cảm. Gã mập mờ nghĩ về con người mình với những nét phác màu đen và linh hồn màu trắng. Gật gù nói rằng, nếu không có những nét mực đen kia, chẳng ai nhìn thấy hình hài của gã.
Những mảnh ghép về một mái nhà vẫn cứ dập dờn quanh tâm trí gã nhưng gã chẳng biết ghép ra sao khi mà chính gã không hiểu mình có nên ghép một căn nhà? Phía ngoài của căn nhà ấy là gì? Là những màu sắc chẳng quy luật xen trộn với nhau hay là một bầu trời rộng lớn. Gã chẳng bao giờ biết vì gã chưa bao giờ thử. Căn nhà trong tâm trí gã vẫn là gã thời ấu thơ, gã thời trâu trẻ, gã khi cô đơn.
Rồi thêm một đêm nữa, gã lại châm vài điếu thuốc.
“Tôi là bánh khúc đây!” Tiếng rao ấy lại vang lên ban công, thấy chiếc xe đạp quen, gã lao xuống tầng, nhanh nhất có thể. Giả như có tia chớp ở đó, có lẽ cũng không nhanh được như gã.
- Chú đến rồi ạ? – Gã cười hiền, cái điệu bộ chưa từng là gã.
- Hôm nay hết hàng sớm, đỡ quá. – Người đàn ông dựng xe rồi ngồi xuống ghế đá, ngay cạnh gã.
- Chú uống nước này. – Gã lịch sự đưa chai nước lọc.
- Cảm ơn cậu.
Họ ngồi cạnh nhau như kẻ tri kỉ.
“Kể ra nó cũng là cái số cậu ạ. Bán bánh khúc cả chục năm nay, ngẫm cũng đúng. Sông có khúc, người có lúc. Ít ra có cái nghề để mưu sinh đã là may mắn rồi. Giả như ngày đó tôi bị thương nặng hơn, thì chắc vợ tôi đã vất vả hơn rồi. Âu cũng là mình may.”
Gã thừ người khi người đàn ông ấy rời đi. Chẳng ai oán trách cuộc đời nhiều như gã. Chẳng ai nghĩ mình sống nhạt nhoà như gã. Gã đã đi nhiều nơi, nhìn nhiều chỗ. Gã như nhiều người trẻ khác.
Đám người đa phần là nhìn thấy hình của nước. Thấy những ruộng bậc thang trải lúa vàng, những cánh đồng hoa tam giác mạch hay đồi cải dàn trải. Họ thấy những đứa trẻ thơ chân trần trong cái buốt lạnh của mùa đông, họ có những tấm ảnh đắt giá, những chuyến đi để đời nhưng để rồi được gì? Khi mà họ rời đi, mảnh đất nơi họ đặt chân đến thêm phảng u buồn, màu u buồn hời hợt.
Gã ngước nhìn lên trời, chẳng thấy trăng nhưng đèn điện thì nhiều lắm. Cuộc sống vốn dĩ vẫn luôn thay đổi, cớ sao gã cứ phải bám vào ánh sáng mờ nhạt của thuở thuỷ nguyên để vớt vát linh hồn cằn cỗi?
Ừ, thì thôi. Về nhà ngủ một giấc đã. Có lẽ sáng mai gã nên dậy sớm và mang tặng nàng một bông hoa.
Ừ, có lẽ mai gã cũng nên sửa sang lại bản thân.
Ừ, mai gã cũng nên hẹn đám chiến hữu nhậu một bữa cho say mèm.
Ừ, mà là “Xôi lạc bánh khúc” chứ đâu phải “Tôi là bánh khúc” đâu.
Hà Nội, 22 tháng 1 năm 2015
Hà Nội, những ngày nghịch ngợm sắc màu tại Mỹ thuật Bụi
Hà Nội, những ngày tưởng chừng như chông chênh
Nhiên.