Bắt đầu một truyện ngắn như thế nào?
Bài viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân, cần được chia sẻ và yêu thương.
Trước hết, lý do mình viết truyện là kể những câu chuyện của bản thân nhưng vì một số lý do như là không muốn người quen đọc được sẽ biết câu chuyện đó nói về ai, hoặc là muốn biến điều mình muốn – mà không thể hiện thực hóa trong hiện tại thành sự thực, hoặc là đối diện với chính mình.
Mình có một thời gian viết lách không quá dài, nhưng cũng không ngắn, việc viết của mình trải qua 3 giai đoạn cơ bản.
- Kể lại một câu chuyện có thật, thêm – bớt một vài tình tiết, nhân vật.
- Bắt đầu sử dụng kĩ năng trong việc dựng cốt truyện.
- Kết hợp giữa kĩ năng và cảm xúc.
Thông thường đa phần người viết mới bắt đầu viết lại những câu chuyện của mình, xoay quanh mình – vẫn gọi là kể chuyện; và kể theo mạch cảm xúc từ đầu đến cuối mà ít sử dụng một cốt truyện được lập sẵn, đa phần người viết sẽ viết theo kiểu viết đến đây hay tới đó.
Việc xây dựng cốt truyện thường được áp dụng sau một thời gian viết. Người viết sẽ xây dựng nhân vật có dáng có hình hơn, và một cốt truyện rành mạch, từ việc thứ tự xuất hiện các nhân vật, tình tiết để câu chuyện được liền mạch, thông suốt từ đầu đến cuối.
Riêng với mình, đang ở điểm số 3. Là khi mình không đặt gánh nặng lên truyện mình viết – phải được mọi người yêu thích, phải được in sách. Mình viết với tâm niệm của số 1 – kể một câu chuyện, nhưng vì lỡ có một xíu số 2 – cách dựng cốt truyện; cho nên mình dùng cả hai để viết câu chuyện cho chính mình.
Thường thì mình viết truyện trong thời gian khá dài, dù là truyện ngắn hay truyện dài thì mình đều chia thành các phân khúc, đoạn và viết khi có hứng, sau cùng ghép các đoạn lại với nhau và chỉnh sửa cho hợp lý để có một câu chuyện hoàn chỉnh.
Ở bài viết này, mình sẽ nói nhiều hơn về cách xây dựng nhân vật.
Mình xây dựng nhân vật bằng cách không ngừng đặt các câu hỏi (việc đặt câu hỏi cũng áp dụng trong lúc dựng cốt truyện).
Những câu hỏi thường là:
- Giới tính, độ tuổi, bề ngoài của nhân vật? (Mình cũng áp dụng cung hoàng đạo – mang tính tham khảo khi dựng nhân vật).
- Sở thích của nhân vật?
- Sở ghét của nhân vật?
- Môi trường, hoàn cảnh xung quanh của nhân vật? (Gia đình, bạn bè, người thân, trường lớp; điều kiện gia đình)
- Có những sự việc/sự kiện nào gây tác động mạnh đến tâm lý nhân vật không?
- Thói quen của nhân vật?
- Nguyên tắc, quan niệm, giới hạn của nhân vật?
Tất cả những điều này sẽ hình thành nên tính cách và hành vi, ngôn từ của nhân vật. Ví dụ, đó là một cô gái 16 tuổi, có vẻ ngoài rất phổ thông – không nổi bật. Cô gái có ba làm nhân viên nhà nước bình thường, mẹ mở cửa hàng bán đồ ăn vặt. Thì nhân vật này sẽ có xu hướng về sở thích/sở ghét: hoặc là rất thích ăn quà vặt, hoặc là không thích ăn quà vặt.
Vì sao lại như vậy?
Nếu xung quanh cô bé là những bạn bè mà có bố mẹ làm những công việc khác như bác sỹ, giảng viên này kia và cô bé ở lớp thường gặp lời chế giễu của bạn bè. → ở độ tuổi 16, có thể 1 phần quan niệm sống chưa hoàn thiện sẽ khiến cô bé cảm thấy ghét nghề nghiệp của mẹ mình, và thấy tự ti. → có thể sẽ rơi vào tình trạng đua đòi về vật chất, để bù lại điểm “tự ti” mà cô bé cảm nhận.
Nếu xung quanh cô bé là bạn bè mà ba mẹ họ cũng bình thường như vậy, thì cô bé cũng có thể có xu hướng là ngày ngày học xong phụ giúp mẹ.
Bất cứ trường hợp nào cũng có thể xảy ra, quan trọng nhất là đặt câu hỏi:
“Nếu… thì…”
Với cá nhân mình, mình rất thích xây dựng nhân vật, vì đó là lúc được trải nghiệm “một cuộc đời khác”, được trẻ, được già, được vui, được buồn cuộc sống của người khác.
Ví dụ như, bây giờ mình đang đóng vai một tác giả chẳng hạn.