Căn phòng của tôi nhỏ vừa phải và bừa bộn. Đó là phòng cũ của chị tôi, sau khi tôi đi du học – sau khi chị đi lấy chồng thì căn phòng đó trở thành của tôi. Phòng cũ tôi ở đã được nhượng lại cho đứa em họ học đại học gần nhà. Năm tôi học lớp Mười Hai, gia đình tôi cũng chuyển về thành phố này và tôi rời xóm trọ. Vì tôi phải đi học từ năm giờ sáng để khỏi lỡ chuyến xe bus nên ba mẹ cho tôi ở tầng một, để khi dậy không đánh thức cả nhà. Vậy nên căn phòng có ban công nhỏ và cửa sổ nhìn về hướng Đông – trở thành một niềm mơ ước của tôi. Nhưng cả nhà tôi không ai thích căn phòng ấy.
“Mùa đông còn đỡ. Mùa hè nóng chết đi được.” Chị tôi than.
Từ lúc tôi báo với ba mẹ rằng mình sẽ rời Hà Nội về nhà một thời gian, mẹ đã trang hoàng lại căn phòng bằng giấy dán tường màu hồng nhạt với điểm xuyết những bông bồ công anh ánh bạc. Ba mẹ đã đầu tư không ít tiền bạc vào lớp tường mới này. Còn một giá sách gỗ xoan còn thơm phức cũng được chuẩn bị sẵn cho tôi. Hẳn là ba mẹ đã rất hài lòng khi tôi trở về.
Một tấm đệm gấp được đặt ngay dưới giá sách, phủ lên nó là một tấm thảm thổ cẩm rực rỡ, đó là tấm thảm tôi mua sau chuyến đi Sa Pa. Cạnh đó là một chiếc bàn handmade kiểu Nhật được ráp lại từ hộp giấy – chính là bàn trà của tôi.
Căn phòng nhiều màu sắc từ những món đồ tôi mang về sau mỗi chuyến đi xa. Mỗi món đồ lại là một câu chuyện. Từ những tấm huy chương khi tôi tham gia giải cầu lông thời đại học hay con búp bê Nga khi đến nhà thờ Sophia ở Cáp Nhĩ Tân. Có một ngăn trên giá sách để ngăn bày hoa trà và những đồ để pha trà. Và còn lại, là sách. Với tôi, sách là điều gì đó vô cùng trân quý. Nhiều lúc, tôi cảm nhận hạnh phúc của mình không phải đến từ tiền đầy túi, tình đầy tim mà là ngồi trong một căn phòng đầy sách, như ngày xưa cũ. Sách. Bụi. Nắng.
Nhớ đến mấy lọ sơn móng, tôi lột lớp tất mỏng rồi chạy vào nhà tắm. Pha một chậu nước ấm, rồi ngâm chân. Mấy ngón chân bé tin hin ngọ nguậy trong chậu nước. Mấy ngón chân trước giờ vẫn ngộ nghĩnh vậy, chỉ có điều sắc màu của móng chân đã thay đổi. Những đốm đen cứ lần lượt xuất hiện, đến mức tôi cảm thấy bất an.
“Bao giờ mới hết?”
Tôi tự hỏi chính mình. Tôi cũng nghĩ đến việc đến bệnh viện, nhưng cũng lại nghĩ người ta sẽ khám cho mình tận tình hay úi xùi cho qua, bảo mình là người lo xa. Thực ra tôi không sợ người ta nói gì về mình, mà tôi chỉ sợ mình sẽ nghe được điều gì đó tệ hại. Nên tôi lựa chọn việc che nó đi, và hi vọng tất cả chỉ là do tôi nghĩ nhiều. Những chiếc móng được phủ màu mới. Mai tôi sẽ lại mang xăng đan. Hay là một đôi tổ ong, cho cá tính nhỉ?
Tôi mở cửa bước ra ban công. Dù đã sang hè nhưng buổi tối vẫn se se lạnh. Tôi gỡ tấm bạt che lồng của Du xuống, nó đang ngủ cũng ngóc đầu dậy. Ngồi xuống chiếc ghế dài, tôi mở cửa lồng rồi đón nó trong lòng bàn tay. Buổi tối trò chuyện với Du trước khi đi ngủ cũng trở thành thói quen của tôi, từ lúc nào chẳng hay. Tôi quen. Nó cũng quen.
***
Du là một con nhím cảnh tôi nuôi từ tháng Tám năm ngoái. Nó có bộ lông gai xù màu trắng, đôi mắt màu đỏ và cái mũi không ngừng hít hà. Tôi mang Du về vào một ngày cuối hè, thời tiết nóng bức vô cùng, nhất là khi chiếc xe nhích từng centimet trên đoạn đường từ Láng qua Trường Chinh. Lúc đó tôi chạy xe chưa vững, bạn cùng nhà tốt bụng đã đưa tôi đi.
“Giờ có muốn về cũng không quay đầu được.” Nhã nói.
“Ờ, đâm lao phải theo lao thôi. Mà sao tao lại đòi đi giữa lúc trời nắng thế này nhỉ?”
“Vì mày điên.”
“Thế sao mày còn đưa đi?”
“Vì tao cũng thế.”
Du được mang về nhà như thế. Lúc về nhà, hắn mới được bốn mươi lăm ngày tuổi, to chừng hai ngón tay, khi đặt hắn vào lòng bàn tay, hắn liền cuộn người lại, gai mềm đâm vào lòng bàn tay nhộn nhạo. Còn hắn, chỉ hở ra đôi mắt tròn đỏ dáo dác nhìn xung quanh.
Những ngày đầu, Du không thích tắm, cứ nhìn thấy nước là hắn co rúm lại, nhìn khắp mọi nơi để tìm chỗ trốn, đến khi không trốn được thì lại cuộn vào như cuộn gai. Nước tắm của hắn phải là nước ấm, đầu tiên phải vẩy nước cho hắn có thể chuẩn bị tinh thần rồi mới cho hắn vào chậu, Du quẫy một hồi thì lấy bàn chải đánh răng, loại dùng cho con nít để chà vào gai hắn, rồi lại thả cho hắn quẫy. Một hồi thì nhấc Du lên, ấp hắn vàp một chiếc khăn bông, lăn qua lăn lại để nước trên người hắn thấm vào khăn rồi mới mang đi sưởi ấm.
Du thích nắng. Giống Nhiên. Ý là, giống tôi.
Du nghịch, bướng, ăn nhiều. Giống Nhiên. Vẫn ý là, giống tôi.
Tôi duỗi người trên ghế, dựa lưng vào tường. Du nằm yên trên bụng, như mọi ngày. Tôi nhìn ánh trăng phía trên cao. Bầu trời nơi này thật cao và rộng.
“Mấy hôm nữa đi chơi về, Nhiên kiếm vợ cho Du nhé!”
Nó chẳng buồn động đậy. Cứ nằm yên. Y hệt thái độ của tôi khi bố mẹ giục giã yêu đương, lấy chồng.
Tôi nhớ những ngày còn ở Hà Nội. Tối đến, những hôm về sớm hoặc không đi chơi tôi vẫn bê chiếc ghế gấp màu đỏ ra ban công, cũng ngồi dựa vào tường nhìn lên bầu trời tìm kiếm ánh trăng. Du cũng ở đó. Nó chẳng nghĩ nhiều như tôi đâu. Nhưng nó ở đó. Ít nhất thì là, có những thời điểm, tôi không một mình.
Liều thuốc từ trước Tết tôi đã uống hết từ lâu, sức khỏe cũng ổn định nhiều. Thời gian vừa qua như một thời gian dưỡng bệnh khiến tôi tăng hai ký. Lúc này, tôi cảm thấy mình tràn đầy năng lượng để ngày kia tôi sẽ thực hiện #03, sẽ rời xa Du vài ngày. Háo hức và bất an. Nhưng có lẽ mọi chuyện sẽ ổn.
(tiếp…)