[#77 – Nhiên kể] Chapter 8

“#03. Đi du lịch nước ngoài một mình.” Điều này có vẻ nực cười, nhất là khi tôi từng có năm năm du học.

Nhưng, tôi chưa từng đi du lịch một mình. Chuyến đi một mình xa nhất của tôi khi đó là đi từ trường đến một vườn bán cây cảnh, hai nơi cách nhau hai tuyến xe bus.

Lần này, tôi đi Lào.

Từ nhỏ, tôi đã nghe nhiều về đất nước ấy. Quê nội tôi là một huyện vùng biên, nhà nội tôi cách biên giới chỉ hơn mười cây số. Mỗi hè về quê tôi lại được nghe thím Út kể chuyện đi buôn ở bên kia. Có lần, thím đi chợ rồi đưa tôi đi theo. Đó là chợ vùng biên, hàng hóa ở đây đa phần đều nhập từ Lào, từ cục xà phòng con vẹt, chai nước tăng lực như lọ thuốc sâu đến những mảnh vải thổ cẩm… nhưng chưa một lần nào tôi bước qua mảnh đất bên kia, thế là, nơi ấy thành một mảnh đất khơi gợi trong tôi biết bao háo hức và tò mò. Từ sau Tết, có vài lần tôi đã nói với ba mẹ về chuyến đi của mình, họ không nói gì, không tán thành, không phản đối. Lúc đầu tôi định về nội rồi đi, nhưng không tìm thấy chuyến xe khách nên chỉ có thể đến Điện Biên để bắt xe. Mà, Điện Biên cũng là quê ngoại của tôi.

“Mai con lên Điện Biên đi Lào.”

“Gì? Đi một mình á? Đầu óc có vấn đề à?” Mẹ tôi nói một tràng.

“Con nói suốt từ Tết đến giờ rồi, mẹ nghĩ con đùa à?”

“Chị, thế chị về nhà em ngủ chứ? Để em gọi về cho mẹ.”

“Ừ, thế gọi hộ chị với nhé. Chị định lên từ sáng.”

 

***

 

Cuối cùng tôi cũng lên đường vào sáng hôm sau. Sáng sớm, dù đã vào đầu hè thì trời vẫn mờ sương. Sau một hồi càm ràm như thể không tin tôi sẽ lên đường một mình, mẹ vẫn dúi vào tay tôi bịch xôi đỗ đen và chai nước lọc.

“Mẹ chăm Du hộ con nhé!” Tôi nói.

“Làm thịt ngay.”

“Bé thế thì được mấy gắp!” Tôi đáp lại.

“Ừ, đi cẩn thận. Đến nhà bà thì gọi điện cho mẹ.”

Ba mẹ cũng rời đi khi xe lăn bánh rời bến. Những chuyến xe khách trong tuần thế này không mấy người. Tôi thoải mái ngồi bên cửa sổ và quan sát bên đường. Mỗi khi đi đâu, ngồi xe, tàu hay máy bay thì tôi đều thích ngồi gần cửa sổ, đó là cảm giác ngắm nhìn những thứ trôi qua mắt mình với những dáng vẻ khác nhau.

Con đường này tôi đã đi qua không ít lần, nhưng chuyến đi nào cũng mang cho tôi cảm giác háo hức. Từ nhà tôi đến Điện Biên khoảng bốn giờ đồng hồ, sẽ đi qua Thuận Châu, là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất tuổi thơ vẫn trở về trong những giấc mơ tôi. Xe cứ bon bon chạy, vượt qua những con dốc để đến đèo Pha Đin. Nắng lên, mây mù vẫn chưa tan hết, nhìn ngọn đồi xanh ngắt đắm mình trong vòng ôm của mây, nhìn thôi, cũng đủ thấy ấm áp, được bao bọc. Xe khách dừng ngay trên đỉnh đèo. Những người phụ nữ dân tộc Mông ngồi bên vệ đường với lu cở là những trái dưa gang lớn.

Tôi đứng ở vệ đường, hít hà không khí thoáng đãng và mát mẻ. Dù đang vào hè nhưng ở đây vẫn mát lạnh. Bác lái xe và anh phụ xe đang ngồi ở quán nước bên đường, họ rít thuốc lào rồi nhả ra cả tầng khói.

“Hôm nay khách đông không?” Bà chủ hàng nước hỏi như không hỏi. Nếu tính cả lái xe và phụ xe, trên xe chỉ vẻn vẹn năm người.

“Đó, vài người vậy thôi.”

“Trong tuần, có người trên xe để lấy lệnh xuất bến đã là may rồi.” Anh lái xe phụ thêm.

“Có hàng gửi cũng ổn nên còn đỡ.”

Chẳng bao lâu, xe lại di chuyển. Ngắm núi đồi trùng điệp, tôi ngủ thiếp đi. Cho đến khi xe tới bến. Lúc này đã là trưa, thành phố hửng nắng. Vốn là người không giỏi trong việc xác định phương hướng nên tội bị mẹ gọi là “bò đội nón”. Chính xác hơn về câu cửa miệng mẹ dành cho tôi là – “lúc nào cũng ngơ ngơ như bò đội nón”. Mẹ sợ tôi không nhớ đường về nhà bà, nên hôm qua lúc Nga gọi điện về nhà thì mẹ dặn là bảo em họ đến tận bến xe để đón tôi.

Khi tôi chưa kịp bước xuống xe thì đã thấy mấy bác xe ôm vây quanh mình. Một trong những điểm yếu của tôi là sợ đám đông. Sợ nhiều người vây quanh mình, sợ âm thanh ồn ã. Tôi không rõ lúc đó mặt mũi tôi biểu cảm thế nào. Tôi chỉ biết dừng lại, đứng im, nhìn xung quanh với ánh mắt không thiện cảm, chậm rãi nói, “Có người đón rồi!”

“Chị, hành lý của chị đâu?” Đúng lúc đó Tiến – cậu em họ tôi chạy đến.

“Ở cuối xe, em lấy hộ chị luôn.”

Đám người kia thấy thế thì tản dần ra, tôi cũng thở phào. Tiến để chiếc valy nhỏ của tôi ở phía trước, tôi cài xong mũ thì cũng leo lên xe.

Đường về nhà ngoại không quá xa, sau khi thoát được cái gắt gao của nội thành, con đường về huyện bớt bụi, bớt nắng, và xanh hơn. Đường về nhà ngoại luôn đẹp, dù là trong kí ức hay hiện tại. Giữa cái nắng hè như muốn rang khô lòng chảo này thì con đường rợp bóng hai hàng cây long não lại như dòng suối nhỏ mát lạnh. Hai bên đường là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Tháng Tư, lúa cao quá bờ, xanh mướt, chuẩn bị trổ bông. Tôi đã từng nghĩ cánh đồng lúa như vậy chỉ có trong sách vở, cho đến một hè về quê. Ngồi bên vệ đường, nhìn từ phía bên này đến phía chân núi bên kia, những cánh cò trắng chao liệng giữa không trung. Thực ra, những cánh chim bay không đập cánh liên tục, những cái đập cánh chỉ là điểm đà để cánh chim dang rộng, nghiêng mình, sải cánh, bay về phía trước. Tuổi thơ, hóa ra tôi từng có bầu trời rộng lớn đến thế.

“Chị đi đường mệt không?” Tiến hỏi.

“Cũng bình thường thôi.”

“Lâu lắm rồi chị không lên đây nhỉ.”

“Ừ, mấy lần nghỉ hè chị về nhà, bà đều ở dưới kia nên cũng không lên đây nữa.”

Tiến không nói thêm gì nữa. Chúng tôi đúng là họ hàng gần nhưng thực ra có khoảng cách xa rất xa. Chúng tôi không lớn lên cùng nhau, chẳng mấy khi nói chuyện. Nếu không phải hôm nay cậu ấy tới đón tôi thì có lẽ cũng chẳng bao giờ giữa chúng tôi xuất hiện đoạn hội thoại kia. Nhiều khi, họ hàng mà ở xa là vậy, chẳng thân thiết bằng những người lạ ở gần. Tiến đưa tôi về nhà ngoại rồi quay xe luôn, trước khi về nhà, cậu có nói: “Nếu muốn đi đâu chị cứ nhắn nhé, em đưa chị đi.”

“Ừ.” Tôi cười, trả lời. Nói là vậy, chứ tôi cũng không có ý định đi đâu xa, sáng mai tôi sẽ rời khỏi nơi này nên có lẽ tôi chỉ ở nhà với ngoại.

“Nhiên! Con về rồi đấy à? Con rửa chân tay đi, cho đỡ nóng.” Ngoại chạy từ bếp ra, dù bước chạy chậm chạp, trên khuôn mặt ngoại còn vương nét cười trong những nếp nhăn. Ngoại tôi ngoài bảy mươi, minh mẫn, rắn rỏi. Ngoại kéo lấy valy từ tay tôi rồi đẩy tôi ra phía thùng nước.

“Nước giếng đấy, mát lắm. Con rửa mặt đi.”

“Dạ, ngoại.” Tôi vâng dạ một hồi rồi lấy thau múc nước đặt xuống sàn. Nước trong mát, ánh lên những tia vàng của nắng. Tôi vầy nước một hồi, đến khi ngoại đặt chiếc khăn lên vai tôi, ân cần nói.

“Rửa mặt rồi vào ăn cơm, Nhiên.”

Lúc tôi nghịch nước và rửa mặt xong, chiếc khăn được phơi ngay ngắn trên dây phơi, quay lại nhìn thì chiếc valy đã biến mất. Tôi đi vào nhà thì thấy nó đã nằm yên vị ở đầu giường.

Lâu rồi tôi không về quê, tôi đã đi xa quá lâu để mà biết được hóa ra quê mình vẫn còn nghèo đến vậy. Chưa đến chín giờ tối, mọi nhà đã tắt đèn. Xung quanh bốn bề chỉ một màu đen, dù là khi tôi nhắm mắt hay mở mắt. Hóa ra, đêm – có thể đen đến thế. Tôi lắc đầu quầy quậy, ngoại nằm kế bên hỏi:

“Lạ giường, không ngủ được à Nhiên?”

“Mỗi lần con nhắm mắt lại con lại cứ tưởng tượng thấy có hai bàn tay đưa đến muốn bóp cổ con.”

“Con bé này! Làm gì có!”

Tôi cười như mếu, tôi bò ra khỏi màn rồi mở valy của mình, lấy điện thoại để soi hành lý, tôi tìm thấy ngay gấu Teddy rồi ôm con gấu bông lên giường, quay nghiêng người, tay vẫn ôm Teddy, tôi nhắm mắt lại, nói.

“Ngoại. Con ngủ đây.”

(tiếp…)

 

An nhiên

Dẫu rằng có từ bỏ, thì cứ tin, đôi bàn tay sẽ còn đưa ra để đón nhận.

BÀI VIẾT HAY XEM

Những kẻ mộng mơ – Elvis Nguyễn – Khi cô đơn gọi tên

Khi cô đơn gọi tên - Gửi “Những kẻ mộng mơ” “Giữa thành phố cô đơn này… Chúng ta cô đơn, chúng ta trống trải.” -...

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho – Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Mấy hôm gần đây tôi có tìm tài liệu về “mẻ” và bỗng nhớ đến một câu tục ngữ, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ...

[Độc hành – Mộc Châu] Khám phá Nhà của mẹ – MAMA’s house hotel

Tôi đến MAMA’s house hostel trong một buổi chiều đầy nắng. Mộc Châu, trong vắt trong veo, khác hẳn những xô bồ của Hà...