Khi tôi học mẫu giáo, câu chuyện như những thước phim cũ màu buồn, lại lấm lem. Mẫu giáo trong kí ức của tôi là những mảng buồn. Ngoài việc thú vị là bữa cháo chiều cùng hai chiếc bánh Hương Thảo thơm phức to bằng hai bàn tay thì tôi chỉ nhớ mình là một đứa trẻ hay khóc. Tôi luôn có ám ảnh, thậm chí đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn mơ về hình ảnh một đứa trẻ người ngắn một mẩu, mái tóc cụt lủn lơ xơ, trên người mặc chiếc áo khoác nhung ngắn màu đỏ sậm và chiếc quần tây màu xanh dương, đứa trẻ đó đứng giữa sân trường, giữa những tán bàng và khóc. Đó là mỗi khi mẹ rời khỏi trường mẫu giáo để đi làm, còn tôi là đứa trẻ ấy.
Sau cơn khóc, tôi sẽ về chỗ của mình, là một chiếc ghế nhỏ được kê ở góc tường. Tôi thường ngồi một mình và đám bạn không bao giờ rủ tôi chơi cùng. Tôi không rõ đó là những điều tự tôi tưởng tượng ra hay là tuổi thơ của tôi chính xác là như vậy, bởi sau này, khi học cấp 1, cấp 2 thì đám bạn đó không bao giờ nhắc đến chuyện đó, hoặc không nhớ ra việc đã từng học chung lớp với tôi. Có lẽ tôi đã quá im lìm.
Tuổi thơ của những đứa trẻ 9x đời đầu như chúng tôi là kí ức về những ngày gia đình từ thiếu thốn chuyển qua một cuộc sống thư thả hơn. Chúng tôi luôn được mặc đồ cũ từ anh chị để lại, nếu ai có thêm bà mẹ khéo tay thì quần áo sẽ được cách điệu đi chút. Tôi vẫn còn giữ những tấm ảnh có chụp kiểu tóc úp bát mái bằng kinh điển, mái tóc như thể là minh chứng của đường kéo xéo ngang những thay đổi của xã hội.
Sau này, chúng tôi dần được mặc đồ mới, có thêm nhiều quà vặt, trẻ con chúng tôi dễ vui bởi những niềm vui như vậy. Thậm chí, đến giờ tôi mới hiểu, cuộc sống thư thả hơn của gia đình tôi không chỉ bởi cơ chế xã hội thay đổi mà còn bởi nước mắt, mồ hôi và thậm chí cả máu của cha mẹ.
“Cái bạn mặc áo đỏ sao không hát?”
Thằng nhóc lớp trưởng chỉ cái thước kẻ về phía tôi. Dạo đó, thước kẻ là những thanh xanh đỏ dài chừng hai mươi, đó là những khối tứ diện, mỗi mặt rộng chừng một phân. Nghe thấy nó nói vậy, tôi không trả lời, chỉ mấp máy môi theo bài hát.
“Hát to lên, không là tao mách cô giáo đấy!”
Đáp lại nó, tôi cũng chỉ mấp môi rộng miệng hơn.
Nó lúc nào cũng hống hách như vậy. Nó lếu láo hơn bất cứ đứa nào trong lớp. Nó nói bậy, nó bắt nạt bạn, nó trêu chọc cô giáo nhưng nó luôn là đứa đầu tiên được kẹo, luôn vênh vênh tự đắc mỗi khi cô giáo nạt nộ bọn tôi khi mà nó mách lẻo. Sau này, lớn lên nó vẫn như vậy. Nó vẫn cậy ông bố làm hiệu trưởng của nó và rồi tôi không biết nó đã đổ đốn ra sao, chỉ biết có lẽ những năm mẫu giáo là những điều đáng tự hào nhất mà nó có. Sau này, có lần gặp lại bạn cũ, chúng tôi có nhắc đến nó. Ngắn gọn nói, “Nghiện rồi.”
Nhiều khi, người ta trôi qua đời nhau, một thoáng; và rồi cũng chỉ lưu lại bằng đó kí ức.
Tôi ít khi kể cho mẹ nghe chuyện bạn bè, trường lớp, tôi nghĩ bà hiểu bởi bà từng là giáo viên. Bà cũng không nói nhiều, chỉ bảo tôi rằng muốn người khác không coi thường mình thì cần phải học thật giỏi.
Đã có một khoảng thời gian dài tôi làm theo lời mẹ dạy. Nhưng lời mẹ dạy cũng chỉ vẻn vẹn đúng đến khi những năm tháng trên giảng đường kết thúc. Tôi đi làm và có lúc tự hỏi mình, ở nơi công sở, muốn người ta không coi thường mình thì cần làm thật giỏi, làm thật tốt hay làm thật đúng? Cho đến giờ, tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời.
Tôi biết, bỏ việc là quyết định ích kỉ của tôi. Những người thân chỉ biết lặng lẽ đón nhận. Thậm chí, tôi đã nghĩ ngoài việc vòi tiền bạc, vòi quần áo, vòi thời gian, vòi vĩnh nọ kia thì điều tôi làm được cho ba mẹ chỉ là những tờ giấy khen học sinh giỏi ố màu theo năm tháng – đã mất trong lần chuyển nhà, hay giấy báo trúng tuyển đại học, trúng tuyển du học, thỉnh thoảng có tên trên vài tuyển tập truyện ngắn, thi thoảng nổi hứng viết vài bài thơ nịnh đầm ba mẹ. Vậy là hết. Tính ra chẳng thấm vào đâu so với công sức, tiền bạc, thời gian họ nuôi dưỡng tôi hơn hai mươi năm nay. Và dồn tâm lo lắng. Tôi luôn biết, và tôi vẫn cứ luôn làm theo ý mình. Rồi chợt nhận ra, tôi yêu bản thân mình hơn bất cứ điều gì trên đời.
“Sao đến nhanh thế?” Hân thấy tôi đã ngồi đó thì hỏi trước khi cả chào.
“Đang tiện ngay gần nên qua luôn. Có gì mà gọi tao thế?”
“Tao cứ tưởng mày từ nhà qua cơ. Ờ thì hôm nay đến ngày nghỉ của tao, với lại báo mày cái tin cho đỡ shock.”
“Tin gì? Shock được chắc chỉ có mày lấy chồng.”
“Ờ, đúng. Đúng là bạn tao. Tuần sau dạm ngõ, sang tháng ăn hỏi rồi cưới. Mà, mày thì thế nào? Tính bao giờ bắt đầu lại?”
“Nói sao nhỉ, công việc thì khi nào hết tiền thì đi kiếm lại thôi. Còn yêu đương á? Ai mà biết được chứ. Nhiều khi tao nghĩ, nếu mà có trường đại học nào đó tên là Đại Học Gia Đình chẳng hạn, chỉ cần ra trường, cầm được tấm bằng cử nhân trên tay mà có một ông chồng vừa ý thì có khó thi đến mấy, học phí cao đến mấy thì tao cũng cố để được học ở đó.”
“Mày lại khéo tưởng tượng, mà phụ huynh mày không động tĩnh gì à?”
“Có chứ. Không có mới lạ. Trước 30 tuổi, 1 chồng, 1 con. Mẹ tao đặt mục tiêu cả rồi nhưng tao chịu. Có phải tao không muốn lấy chồng đâu chứ, tao muốn có chồng lắm luôn nhưng sao cứ phải gượng ép, gắn nó vào tuổi nào đó chứ. Ngại cực nhé, các cụ thì xoắn xuýt hết cả lên, nhưng thời buổi này trai giàu dễ kiếm chứ chân tình chung thuỷ thì có mấy người? “
Tôi vừa dứt câu, Hân hút xoạt một ngụm trà sữa, rồi cầm ống hút cứ thế mà xoay chạy vòng vòng trong chiếc ly. Hân bắt đầu ngồi nói về chồng tương lai, gặp nhau ra sao, yêu nhau thế nào, rồi chốt lại một câu.
“Đến lúc cưới thì cưới thôi.”
Đầu hạ, nắng vẫn chưa quá gắt. Dọc những con phố, bằng lăng và cả phượng cùng khoe sắc. Có lúc chúng hợp nhau như bè chính bè phụ trong một bản nhạc, có lúc lại lạc quẻ chẳng có gì liên quan đến nhau. Thành phố yên lặng quá, đến mức, tôi không muốn mình cứ lặng yên theo như vậy. Đứa bạn hiếm hoi ở nơi này từ giờ đã có gia đình nhỏ để bận rộn. Ngồi đến năm giờ chiều thì Hân đi tập gym, còn tôi thì cũng về nhà để nấu bữa tối. Nhìn những lọ sơn đầy màu sắc. Tôi lựa chọn, tự điểm tô thêm màu sắc cho chính mình.
(tiếp…)