Tôi thích một căn phòng có ô cửa sổ nhìn về hướng Đông, để mỗi sớm thức dậy được nhìn thấy nắng nhuộm vàng bất cứ thứ gì nắng có thể vươn tới.
Và rồi, trái tim cũng ấm áp hơn.
Nhiên.
Tôi đang nằm phơi nắng trên ghế dài thì có tiếng bước chân loẹt xoẹt đến gần. Du cũng đang yên giấc, nghe tiếng chân người nó cũng loạt xoạt theo. Tôi không buồn mở mắt, không lâu sau thì người ấy cũng lên tiếng.
“Hai mươi mấy tuổi, sắp ba mươi đến nơi mà suốt ngày đọc cái thể loại sách này thì khi nào mới khá lên được!”
Nói rồi người ấy đặt bịch xuống bàn vật thể được nhắc đến – là cuốn “Tôi sẽ chết vào một ngày nào đó” mà tôi đang đọc dở.
Tôi chống tay xuống ghế, đẩy người ngồi dậy, mỉm cười rồi nói.
“Hồi bé con đọc truyện chém giết suốt mà có thấy mẹ nói gì đâu!”
“Con xuống nhà khóa cổng đi, ba mẹ đi làm.”
“Vâng, thưa sếp!” Tôi nói, tay đưa ngang trán như động tác chào cờ hồi nhỏ.
Sau khi ba mẹ đi làm, tôi chốt cổng cẩn thận rồi quay về ban công của mình và đọc tiếp cuốn sách. Du đã lại ngủ, êm ấm trong lồng của nó, tôi thật không biết nó là nhím hay là heo, chỉ ăn rồi ngủ.
Thực ra, trong cuộc đời mỗi người, ai cũng phải chết, chỉ là không biết thời điểm đó sẽ xảy đến khi nào.
Tôi có một trái tim yếu đuối.
Bác sỹ nói như vậy, một mình tôi đối diện với tất cả.
Không biết tự bao giờ tôi có thói quen đi khám bệnh một mình, dù rằng nhiều lúc cảm thấy tủi thân khi không có ai bên cạnh. Nhưng bây giờ, tôi e sợ người khác phải đặt quá nhiều lo lắng vào tôi. Tôi sẽ đau lòng.
Mẹ sinh tôi trong mùa mưa, vào một ngày mưa. Tôi chào đời khi chỉ được 32 tuần tuổi, nặng 1.8 kí. Mẹ nói, tôi không phải là sinh non. Ba nói, tôi sẽ luôn khoẻ mạnh. Tôi luôn có niềm tin như vậy và tôi hồn nhiên lớn lên, như những đứa trẻ khác.
“Bác sỹ bảo sao?” Quân, cậu bạn vừa đỗ xịch xe trước mặt, đã lên tiếng hỏi tôi.
“Tớ lấy xong kết quả thì nghỉ trưa, chiều mới có kết luận.” Tôi trả lời mỏi mệt, theo những kết quả xét nghiệm tôi cầm trên tay thì có vài chỉ số không bình thường so với chỉ số chuẩn, chỉ có điều là tôi không biết điều đó có ảnh hưởng cụ thể thế nào.
“Đi ăn nhé, chắc bạn cũng đói rồi.”
Tôi gật đầu đón lấy mũ bảo hiểm từ Quân, đội vào rồi leo lên xe. Cậu vặn ga lướt xe đi, biển tên Ngõ Vạn Kiếp còn lại trong đáy mắt.
“Ừ, ăn cái gì nhẹ nhàng thôi.” Tôi nói.
Quân đèo tôi trên chiếc xe máy quen thuộc của cậu ấy, chiếc xe đưa tôi đi nhiều phố phường của thành phố này. Còn chủ nhân của chiếc xe máy ấy là cậu bạn tôi quen trên mạng đã mấy năm nay. Dần dà, từ xa lạ, chúng tôi trở thành bạn bè. Chúng tôi chia sẻ với nhau về cuộc sống, trường lớp, tình cảm, gia đình và cả đam mê – thứ giúp chúng tôi xích lại gần nhau.
Tôi không biết liệu mình có giống những người trẻ xung quanh khi mà tôi luôn mang trong mình một ảo vọng, kiên trì bám theo nó dù không biết trước kết quả của mình đạt được là thế nào. Tôi cứ vô định như vậy.
“Tớ tính nghỉ việc.” Tôi nói khi miếng phở cuốn vẫn còn lùng bùng trong miệng.
“Tớ sẽ nghỉ ngơi, dành thời gian cho ba mẹ và chính mình. Ừm, chỉ một thời gian thôi.” Tôi nói tiếp khi đang nhai nốt phần còn lại của miếng phở cuốn, khi đang nghĩ về viễn tưởng tôi thảnh thơi nằm nhà, đến bữa nấu cơm cho bố mẹ và dè xẻn với số tiền ít ỏi dành được sau một thời gian đi làm.
“Ừ.” Quân đáp.
Thực ra cậu ấy nói nhiều hơn vậy nhưng tôi mải hút nước mía trong cốc nên không nghe trọn được tất cả, chỉ biết Quân là một trong những người luôn ủng hộ tôi trong mọi quyết định. Tôi không rõ đó có phải là lí do khiến chúng tôi vẫn duy trì liên lạc và tình bạn cho đến giờ hay không, chỉ biết chúng tôi thích là những người bạn lặng lẽ của nhau, như những đường thẳng chạy song song.
Ăn trưa xong, Quân đưa tôi quay lại bệnh viện còn cậu thì trở về trường bởi một công việc dở dang. Tôi đứng trước cổng bệnh viện, nhìn biển Ngõ Vạn Kiếp dựng vô hồn ở đó, nín một hơi sâu rồi mới bước vào. Ngồi chờ trước phòng bệnh, nhìn quanh những người lạ quen mặt, tôi nhớ lại lúc ban sáng.
Tôi đến bệnh viện khi chưa đến bảy giờ sáng, nhưng khi tôi đến đã nhận được số phiếu 232. Thì cũng chỉ biết thở dài và chờ đợi, bệnh viện nào mà chẳng đông, như vậy. Nhìn quanh mình, đa phần bệnh nhân là những mái tóc hoa râm, bạc phơ, tôi hơi ngượng ngùng. Ngay lúc ấy, tôi bỗng chốc thấy linh hồn mình như già đi vài chục tuổi. Đợi mãi cũng đến lượt, tôi lấy sổ khám và đi quanh các phòng. Phòng nào cũng có hai y tá ngồi ngoài để xếp lượt và gọi bệnh nhân vào khám, trước mặt họ luôn là những chồng giấy khám đầy lại vơi, vơi lại đầy. Tôi rải lần lượt giấy khám ở các phòng rồi chờ, nơi nào gọi trước thì vào luôn. Đó không phải là lần đầu tiên đi khám một mình nhưng cơ hồ trong lòng vẫn trồi lên chút tủi thân.
Ban đầu, cứ vào một phòng tôi lại cởi áo len, thay áo bệnh nhân, xong lại thay áo bệnh nhân rồi mặc áo len vào, nhưng cơ hồ đến phòng khám thứ ba thì tôi cũng như nhiều người khác, chỉ còn phất phơ chiếc áo bệnh nhân và chiếc áo khoác mỏng. Ban sáng, tôi gặp một cậu bé chạc mười tuổi, chiếc áo của cậu rung trong gió nhẹ, dây áo cũng chẳng buồn cột, để lộ ra vết sẹo dài nổi cộm trước ngực. Trong ngày đông, da cậu bé thêm tím tái, lúc ấy, trong mắt tôi dâng lên một hơi cay.
“Lê An Nhiên! Bệnh nhân Lê An Nhiên có đó không?”
Tôi giật mình trả lời. “Có! Có!”
“Vào đi!”
Gạt đi những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu, tôi cầm xấp kết quả xét nghiệm đưa cho bác sỹ. Bác sỹ đẩy gọng kính, xem đi xem lại tập kết quả rồi ngước nhìn tôi, hỏi:
“Cháu có đi khám thường xuyên không?”
“Từ lúc cháu biết bị block nhánh thì cứ sáu tháng cháu lại đi điện tim, siêu âm một lần.”
“Cháu biết bị block nhánh lâu chưa?”
“Cũng năm năm rồi ạ.”
“Thế cũng lâu rồi. Nhịp tim của cháu không đều, cũng không ổn định nhưng cũng không quá nghiêm trọng. Để chú kê đơn thuốc, cháu về uống xong mấy tháng nữa khám lại xem thế nào.”
“Chú ơi, cháu đang uống thuốc u tuyến yên, có thuốc nào có tác dụng phụ không ạ?”
Bác sỹ lại ngước lên nhìn tôi, đẩy gọng kính lẩm bẩm gì đó, rồi mới nói.
“Quan trọng nhất là ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Tránh suy nghĩ nhiều và lao động nặng.”
Bác sỹ đưa tôi một đơn thuốc dài như phố Bà Triệu, tôi nhận lấy rồi lui ra ngoài. Mua xong thuốc trong đơn, trong túi tôi còn vẻn vẹn năm trăm ngàn và vài đồng tiền lẻ. Tôi đi lang thang lòng vòng rồi nhắn cho Quân.
“Tớ ổn”.
(tiếp….)