Nhiều người nghĩ rằng, phải đi thật xa, đi đến những nơi xa lạ, đi đến những thành phố xa hoa lộng lẫy hay những nơi nổi rần rần trên mạng mới là đi. Với tôi, những chuyến đi đơn giản hơn vậy. Có khi chỉ là đi bộ lòng vòng vài trăm mét để kiếm một hàng ăn mình thấy đặc biệt, hay đơn giản là ở những nơi quen thuộc tìm được điểm khác biệt cho mình, ấy là những chuyến đi.
Những chuyến đi của tôi, khi ồn ào, khi lặng lẽ khi lại chẳng thể hình dung. Trước đây tôi vẫn nghĩ rằng cuộc sống của mình tẻ nhạt (giờ đôi lúc vẫn nghĩ vậy), nhưng khi nhìn ngắm lại bước chân, ngã rẽ của mình, hóa ra có những nơi quen thuộc đáng đi đến thế.
Quê nội tôi ở Chiềng Cang, bên cạnh dòng sông Mã, phía bên kia sông là Mường Hung, ba tôi vẫn nói, tác giả bài Tình ca Tây Bắc ngồi bên này bờ sông, nhìn sang bên kia mà viết nên bài hát. Trước giờ mọi người vẫn nghĩ rằng Hưng Yên là đất nhãn nhưng nếu không đến Sông Mã, thì không ai biết rằng, ở một vùng đất khác của Tây Bắc cũng có một đất nhãn kiêu hùng đến vậy.
Từ ngã ba Mai Sơn rẽ vào Quốc lộ 4G, đi qua dốc Tràm Cọ, Nà Ớt vượt qua nhiều khúc cua con dốc chênh vênh với hai bên là những đồi cà phê chè, những thửa ruộng bậc thang xen kẽ lúa nương, sẽ đặt chân đến mảnh đất Sông Mã. Sông Mã có khí hậu nóng hơn nhiều huyện khác ở Sơn La, cây ăn quả lâu năm ở đây có nhãn và xoài (bữa khác sẽ nói về xoài), ngoài ra cây có cây lương thực, ngũ cốc thì đa phần là lúa nếp, ngô và đậu tương. Dân cư ở đây đa phần là dân tộc Thái, ngoài ra có dân di cư từ Hải Dương, Hưng Yên và dân tái định cư.
Không giống như Hưng Yên có địa hình bằng phẳng, Sông Mã có những ngọn đồi dọc sông, nhãn cũng được trồng men theo những ngọn đồi, bởi thế nếu ở xuôi là rừng nhãn thì ở đây là đồi nhãn. Ở Sơn La thì không có nhãn đâu ngon bằng nhãn Sông Mã, nhãn nước thì ngọt mà nhãn cùi thì cùi dày, hạt nhỏ. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình phát triển nhãn ghép, từ những gốc nhãn địa phương có khả năng thích nghi cao, họ ghép thêm mắt của giống nhãn cùi, sau 2 – 3 năm, khi mắt ghép thích ứng được với cây gốc sẽ bắt đầu được thu hoạch. Nhãn ghép cho năng suất cao và giá thành tốt, nhất là khi nhãn lồng Hưng Yên được xuất khẩu ra nước ngoài, sản lượng nhãn cung cấp cần số lượng lớn hơn thì việc nhãn ghép ở Sông Mã phần nào có thể đáp ứng được nhu cầu nhãn trong nước.
Không chỉ cung cấp nhãn tươi, nhiều hộ gia đình ở Sông Mã cũng làm long nhãn để cung cấp cho thị trường. Công đoạn làm long nhãn yêu cầu cần có lò sấy, một lượng lớn than đá, các khay sấy và đương nhiên là nhãn – nguyên liệu không thể thiếu.
Việc làm nhãn long được thực hiện vào khoảng cuối tháng 7 hàng năm. Vào mùa này, trong những ngày nông nhàn chờ nước dâng vào ruộng và cấy lúa thì người dân thường đến các lò sấy long để xoáy long nhãn, coi như việc làm thêm trong lúc nông nhàn. Sau khi lựa những trái nhãn lớn và đều để bán – còn gọi là nhãn suất thì những trái nhãn không đều sẽ được bỏ cuống, chỉ còn trái để xoáy long. Sáng sớm, những nhân công xoáy long sẽ đến lò sấy, lựa số nhãn mình sẽ xoáy, tiền công tính theo cân, tiền công là 3-6.000/kg nhãn tùy mùa.
Trước đây tôi thường thắc mắc là nếu lấy nhiều như thế người xoáy long ăn bớt nhãn thì làm thế nào, sau này đi xoáy long mới hiểu, lúc ngồi xoáy thì chẳng còn tâm trạng mà ăn.
Dụng cụ xoáy long là một miếng hình lưỡi gà, gắn vào 1 que tre – đũa, đầu hơi cong. Khi xoáy sẽ cắm lưỡi gà vào cuống trái nhãn, xoay một vòng, lựa hạt ra mà không cần bóc vỏ. xoáy xong thì sẽ bóc vỏ, đặt cùi nhãn vào khay sấy. Khi đầy khay thì giao cho chủ lò sấy để họ sắp vô lò.
Việc sấy nhãn đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại. 1-2 giờ cần xem lò sấy một lượt, đảo vị trí các khay sấy, với những khay sấy đã vàng được một mặt thì đảo lại vị trí cùi nhãn để nhãn chín đều, màu đều. Đến khi long nhãn chín vàng đều thì sẽ được lựa ra khỏi lò, để cho thoát hơi nước sẽ được đóng vào các túi chân không để bảo quản được lâu. Giá long nhãn thường 200-300.000/kg, tùy mùa.
Tuổi thơ tôi gắn liền với nhãn, hè nào cũng được về quê trèo bẻ nhãn, ngồi nhìn các chị xoáy long, chạy loanh quanh lò sấy để hóng lựa những cùi nhãn sấy hơi quá lửa, ngọt và thơm – như tuổi thơ. Đã từng.
Nhiên.