1987 – Tấm vé trở về quá khứ

 

Tôi dành cả một ngày để đọc <1987> – cuốn sách được mua về từ một năm trước. Tôi biết đến cuốn sách này qua một status của Lý, và suy nghĩ đầu tiên khi đó là: “Thật tuyệt!”

Nhưng khi cầm được cuốn sách trên tay, tôi lại lãng quên nó. Dành ưu tiên cho bài vở, công việc và những cuốn sách nhỏ, nhẹ, mỏng – tiện mang khi đi du lịch.

Tôi nhớ khi tôi bay từ Taipei đến Kualalumpur, cuộc trò chuyện giữa tôi với người bạn ngồi kế (chúng tôi quen nhau trên máy bay) là về những chuyến đi, những cuốn sách. Cô ấy nói rằng, sách là thứ không thể thiếu trong mỗi hành trình của cô ấy.

“Nếu sách dày quá, tớ sẽ xẻ nó ra và mang theo một nửa cuốn sách.”

Tôi thì không làm được như vậy. Tôi từng làm trong ngành xuất bản, trân trọng từng cuốn sách mà mình góp phần tạo nên ấy, vậy nên với tôi, đó là việc thật tàn nhẫn. Nhưng <1987> thật quá “phô trương” trong thời buổi mỳ ăn liền này, rồi nó nghiễm nhiên trở thành người mẫu trên giá sách.

Nhưng rồi, tôi cũng có cơ hội đọc và trải nghiệm hành trình của những người sinh năm 1987.

<1987> là tập hợp rất nhiều, rất nhiều bài viết của những “người kể chuyện thế hệ”. Là những tên tuổi có tiếng như Lê Cát Trọng Lý, Phạm Toàn Thắng, Elly Trần, Ngô Phương Lan, Đinh Đức Hoàng… Những người được coi là thành công trong xã hội.

Những câu chuyện được kể trải dàn bắt đầu từ năm 1987, qua lời kể của một người kể chuyện, câu chuyện tiếp nối từng năm – điểm lại những sự kiện cuộc sống, kinh tế, xã hội của những đứa trẻ, con nít đến tuổi dậy thì, tuổi thanh xuân hay cả khi họ đã bước vào giai đoạn trưởng thành. Yêu. Kết hôn. Trở thành cha mẹ.

Không ít lần tôi bật cười trước những câu chuyện ngô nghê – giống tôi thời con nít. Cũng không ít lần tôi tự nhớ lại xem vào thời điểm đó, mình đang làm gì, có trải qua những việc như tác giả. Và <1987> hoàn toàn cuốn tôi vào chuyến đi trên con tàu kí ức.

Chẳng có gì hơn một ngày cuối tháng Tám – chớm thu, nhìn ra ngoài nắng nhạt và hoài niệm về những hạnh phúc đã qua. Đó là những đàn anh, đàn chị có khao khát được làm gì đó, được trở thành người như nào đó, chăm chỉ –  kiên trì – cũng ngây ngô như tất thảy những ngoài kia.

“Hôm nay là một ngày thật tuyệt” – Đó là điều tôi nghĩ khi gấp cuốn sách lại. Ba trăm trang sách – tôi mở bài hát Nam sinh nữ sinh do Phạm Toàn Thắng sáng tác, thật may, có một bản nhạc thật mới do Đức Phúc thể hiện.

“Có một đôi bạn thân thiết lắm

người bạn trai rất dễ thương

người bạn gái cũng đáng yêu…”

Thế hệ giao thời, họ là những người đầu tiên đón nhận sự chuyển mình của cuộc sống, của thời kinh tế mở cửa, của tuổi trẻ xông pha, lao mình ra ngoài thế giới rộng lớn để hòa nhập và để thay đổi.

Ta đã sống những ngày như thế – đó là câu chuyện họ đã kể.

Sự thành công của cuốn sách không thể không nói đến chủ biên Nick M. Về một ý tưởng để những người bước vào tuổi ba mươi kể lại những điều xảy ra trong ba mươi năm. Về sự chuyển tiếp liền mạch của từng câu chuyện của mỗi người kể khác nhau.

Và hơn cả – là tinh thần của cuốn sách: là món quà cho các thế hệ giao thời.

Đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn, sẽ học cách tiếp nhận và đón nhận những “nhiệm vụ” của mình với cuộc đời. Nhưng hôm nay, tôi như đứa nhỏ lớp Năm, mang được một cuốn sách dày cộp từ cửa hàng thuê truyện về nhà với mức đặt cọc tiền cao cao.

Và việc của tôi là, ngấu nghiến nó.

Nhiên.


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *